Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
12/06/2017 13:58

Hoạt động bảo tàng: Cần năng động tiếp cận công chúng

Nước ta hiện có 147 bảo tàng, nhưng đa phần các bảo tàng vẫn chỉ là kho lưu trữ hiện vật, chưa thực sự hấp dẫn khách tham quan. Ngành Văn hóa cũng đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng giai đoạn 2005-2020 trong đó nhấn mạnh
Nước ta hiện có 147 bảo tàng, nhưng đa phần các bảo tàng vẫn chỉ là kho lưu trữ hiện vật, chưa thực sự hấp dẫn khách tham quan. Ngành Văn hóa cũng đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bảo tàng giai đoạn 2005-2020 trong đó nhấn mạnh việc bảo tàng cần hướng đến cộng đồng, phục vụ cộng đồng. Nhưng để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, chính các bảo tàng cần có sự đổi mới, năng động để tiếp cận công chúng, phát huy được tiềm năng vốn có.
Số hóa bảo tàng Đây được cho là con đường phát triển tất yếu của các bảo tàng nhằm tận dụng những tiện ích của khoa học công nghệ, internet để có thể tiếp cận công chúng một cách nhanh chóng và gần gũi nhất. Nói như TS.Chantal Eschenfelder- Giám đốc giáo dục và truyền thông Bảo tàng Staedel Frankfurt (Đức): Với diện tích, không gian hạn chế của các bảo tàng, trong khi nhu cầu khách tham quan ngày càng gia tăng thì cách tốt nhất vẫn là mở rộng không gian trưng bày theo hình thức số hóa. Như vậy, các bộ sưu tập của bảo tàng sẽ đến gần hơn với công chúng, kể cả những bộ sưu tập ít khi được trưng bày. “Bảo tàng Staedel.Frankfurt đã số hóa được gần 25.000 hiện vật, xây dựng được trên 100 bộ phim kỹ thuật số phát trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn lượt người truy cập, theo dõi. Nhờ những ứng dụng hiện đại này, số người đến tham quan, nghiên cứu tại Bảo tàng đã lên tới trên 1 triệu lượt người/năm, tăng gấp hơn 2 lần so với khi chỉ thực hiện phương pháp truyền thống”- TS.Chantal Eschenfelder cho biết. Cũng có cách làm tương tự, Viện bảo tàng Malacca- Malaysia sử dụng công nghệ tra cứu trên mỗi hiện vật, giúp công chúng có thể dễ dàng tra cứu thông tin dù họ đang ở bất kì đâu, vào lúc nào. Ngoài ra, theo bà Syahldah bteb Abu Sah, Giám tuyển của Perzim Malacca thì “Bảo tàng còn tích cực giới thiệu thông tin, hoạt động trên trang web và mạng xã hội Facebook; xây dựng các chương trình ứng dụng trên di động, phối hợp với tập đoàn Google và Samsung hỗ trợ chức năng số hóa hình ảnh và kết nối di sản văn hóa tại Bảo tàng”. Dù có nhiều ưu điểm như vậy, nhưng ở Việt Nam hiện mới chỉ có Bảo tàng Lịch sử quốc gia áp dụng phương pháp này. Hiện Bảo tàng đã hoàn thành số hóa 14 bảo vật quốc gia, thời gian tới sẽ tiếp tục số hóa những nhóm hiện vật tiêu biểu khác theo hướng ưu tiên số hóa 3D hiện vật phục vụ cho các cuộc trưng bày chuyên đề, bổ sung thông tin hiện vật đã được số hóa 3D cho phần trưng bày thường trực. Năm 2013, Bảo tàng cũng đã trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” theo phương pháp tương tác 3D đã cho kết quả tích cực, hấp dẫn được khách tham quan. Tìm hiểu nhu cầu khách Muốn thu hút được khách tham quan tới bảo tàng thì việc tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của khách để có những thay đổi trong hoạt động nhằm đáp ứng là điều không thể bỏ qua. Theo GS.Nguyễn Văn Huy- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: “Công chúng giữ vai trò sống còn đối với bảo tàng nên việc tìm hiểu nhu cầu của công chúng là điều không thể thiếu. Công chúng giờ đây không còn dễ dãi chấp nhận bất cứ “món ăn” nào mà bảo tàng cung cấp, họ có lựa chọn của mình. Rất cần đa dạng hoá và mở rộng không gian của các trưng bày chuyên đề để có thể đồng thời tiếp cận nhiều trưng bày khác nhau. Bảo tàng cũng phải tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu của công chúng trước mỗi cuộc trưng bày để đưa ra thông điệp đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của họ. Trưng bày phải gắn với nhu cầu của xã hội đương đại. Có như vậy, trưng bày mới thu hút được khách”. Những năm vừa qua, ở nước ta, Bảo tàng Dân tộc học nổi lên là một địa chỉ thu hút được không chỉ khách trong nước mà cả quốc tế. Đó là nhờ sự năng động tìm tòi các chuyên đề cũng như tổ chức trưng bày của Bảo tàng. TS.Trần Thị Thu Thủy (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) chia sẻ, mục đích của Bảo tàng là hướng tới công chúng, hướng tới cộng đồng. Chính vì vậy mà mọi hoạt động của Bảo tàng từ nghiên cứu, sưu tầm đến trưng bày, trình diễn, giáo dục và phim đều lấy cộng đồng làm nền tảng. Bảo tàng luôn khuyến khích các chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia vào các hoạt động của Bảo tàng, khuyến khích họ tự trình bày những suy nghĩ, thể hiện hiểu biết văn hóa của mình. Ngoài ra, các hoạt động của Bảo tàng cũng được tổ chức thường xuyên, đa dạng với các chuyên đề gắn với cộng đồng, với bảo tồn và phát triển các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian… Bảo tàng cũng chú trọng đến các dịch vụ đi kèm như tiếp thị, dịch vụ ăn uống, cửa hàng lưu niệm… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách tham quan. Theo PGS-TS.Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia, mô hình của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính là cách làm của bảo tàng tương lai. Minh Anh
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam