Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
09/06/2017 16:32

Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật

Có một thực tế là hiện nay nhiều bảo tàng ở Việt Nam đang không phát huy được vai trò xã hội – thẩm mỹ của nó, và thường được lý giải do hoạt động mờ nhạt, thiếu hấp dẫn, hoặc là công chúng chưa có nhu cầu đến bảo tàng để
Có một thực tế là hiện nay nhiều bảo tàng ở Việt Nam đang không phát huy được vai trò xã hội – thẩm mỹ của nó, và thường được lý giải do hoạt động mờ nhạt, thiếu hấp dẫn, hoặc là công chúng chưa có nhu cầu đến bảo tàng để tham quan hay tìm hiểu lịch sử, văn hóa…
Các lý giải này có căn nguyên của nó vì nhiều bảo tàng hiện tỏ ra yếu kém trong tổ chức, duy trì hoạt động chính cũng như các hoạt động phụ trợ góp phần làm tăng tính hấp dẫn. Trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại, bảo tàng ra đời như một loại thiết chế văn hóa được hiểu một cách phổ biến là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ của một lĩnh vực, một nền văn hóa cộng đồng, rộng hơn là của nhân loại. Vì thế, khi nhắc đến bảo tàng, công chúng thường nghĩ tới một địa điểm không chỉ có kiến trúc đẹp, mà còn là nơi trưng bày, đưa tới nhiều điều thú vị. Trên thế giới, bảo tàng là một loại hình văn hóa được đặc biệt chú trọng phát triển nhằm quảng bá lịch sử – văn hóa vốn là niềm tự hào của mỗi quốc gia. Có nhiều định nghĩa khác nhau về bảo tàng. Như ở Pháp, bảo tàng là cơ quan thông tin đa chức năng, trong đó chức năng thông tin là quan trọng nhất, ngoài ra, còn có chức năng giáo dục và chức năng giải trí. Với tổ chức ICOM (Hội đồng Bảo tàng quốc tế) thì bảo tàng là thiết chế tồn tại lâu dài, không vụ lợi nhằm phục vụ xã hội và sự phát triển của xã hội, mở cửa phục vụ công chúng và tiến hành nghiên cứu liên quan đến di sản của con người và môi trường chung quanh. Ở Việt Nam, theo Luật Di sản văn hóa, bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Ở nước ta, hệ thống bảo tàng khá phong phú, gồm hơn 120 bảo tàng trên khắp cả nước, với khoảng sáu bảo tàng có quy mô quốc gia như Bảo tàng Lịch sử quân đội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Theo chúng tôi, cơ sở lịch sử – văn hóa Việt Nam là nền tảng vững chắc để hệ thống bảo tàng được bảo đảm về nội dung trưng bày, từ hiện vật đến sử liệu. Trên thực tế, trong những năm qua, một số bảo tàng ở Việt Nam đã có nhiều hoạt động hấp dẫn, có ý nghĩa và được đánh giá cao, điển hình là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đây được coi là bảo tàng duy nhất còn “sống” thật sự với các hoạt động diễn ra có tính thường xuyên, có giá trị. Bảo tàng này được trang TripAdvisor (website du lịch lớn nhất thế giới) bình chọn là một trong các bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2014 với vị trí xếp hạng 4 trong số 25 bảo tàng. Năm 2003, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng được vinh danh trên trang TripAdvisor với vị trí 6 trong số 25 bảo tàng, năm 2012 được nhận Chứng chỉ xuất sắc. Một vài bảo tàng khác cũng đang tích cực có các hoạt động phụ trợ song song với việc duy trì hoạt động chính là trưng bày hiện vật, như: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Tuy nhiên, bên cạnh một số bảo tàng được đánh giá cao, thì hoạt động bảo tàng ở nước ta cũng chưa thật tương xứng với tiềm năng và giá trị vốn có. Về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) từng đánh giá hoạt động bảo tàng còn đơn điệu, tẻ nhạt, thiếu tính sáng tạo, thiếu sự hấp dẫn. Ý kiến này là có cơ sở, bởi ở một số nơi, đáng lẽ bảo tàng phải là nơi lưu giữ những hiện vật, những giá trị lịch sử, văn hóa, là trung tâm các hoạt động văn hóa tinh thần thì dường như lại đang bị buông bỏ? Bằng chứng là rất nhiều bảo tàng gần như chỉ dừng lại ở việc trưng bày một số hiện vật và… để đó mà không có các hoạt động khác để thu hút khách tham quan, góp phần biến bảo tàng thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn. Lại có bảo tàng được xây mới với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chất lượng hoạt động lại không tương xứng. Đã có rất nhiều bài báo nói về thực trạng hoạt động của các bảo tàng nhưng dường như chưa đủ, bởi trong quá trình phát triển của đời sống, bảo tàng lại cần những yếu tố mới để tiếp tục phát huy giá trị của một thiết chế văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần con người. Vấn đề cơ bản mà nhiều bảo tàng đang gặp phải là việc trưng bày hiện vật theo lối mòn, thiếu hấp dẫn. Số lượng hiện vật không phải thiếu nhưng tổ chức trưng bày yếu kém lại dẫn đến cảm giác thiếu hiện vật, hiện vật không phong phú, không phát huy được giá trị. Đặc biệt, điều khiến khách tham quan rất dễ chán là nhiều bảo tàng tổ chức trưng bày, giới thiệu hiện vật na ná nhau, cho nên có cảm giác bảo tàng nào cũng giống bảo tàng nào. Như tác giả Nguyễn Bỉnh Quân từng nhận xét trên một tờ báo rằng, các bảo tàng ở Việt Nam thấp về đẳng cấp, tiêu điều về nghiên cứu giáo dục, uể oải về hoạt động. Tính khoa học và nguyên bản độc đáo của việc sưu tầm hiện vật là xương sống của bảo tàng nhưng ở đó vắng bóng nhà khoa học, sinh viên, nghiên cứu sinh đến nghiên cứu. Thế nên có cảm giác một số bảo tàng được xây dựng rồi để đó mà không được quảng bá đến công chúng bởi thực tế là đã có bảo tàng mà nhiều người còn chưa được biết tên! Có ý kiến cho rằng hệ thống bảo tàng nghèo nàn, thiếu hấp dẫn là vì kinh phí hạn hẹp. Tất nhiên, kinh phí là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là tất cả, vì ngoài kinh phí, còn nhiều yếu tố khác, trong đó không thể không kể đến trình độ, tư duy của người làm công tác bảo tàng. Nếu coi con người là yếu tố quyết định quan trọng, thì có lẽ hoạt động bảo tàng ở Việt Nam thường yếu về tổ chức, quản lý, vận hành, làm cho thực trạng phát triển chậm hơn so với xu hướng của các bảo tàng trong khu vực và quốc tế,… Trả lời phỏng vấn trên báo chí, PGS, TS Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận định rằng, sở dĩ các bảo tàng chưa hấp dẫn du khách là do đang lạc hậu so với xu hướng chung của bảo tàng khu vực và thế giới. Sự lạc hậu thể hiện từ kiến trúc, cổ vật đến cách thức làm bảo tàng,… đều có vấn đề, và đó là vấn đề thuộc về con người. Cần lưu ý, bảo tàng muốn sống được cần duy trì song song hoạt động bảo tồn và các hoạt động phụ trợ khác. Các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới không chỉ là nơi lưu giữ các hiện vật, tư liệu quý mà còn là các địa chỉ tham quan hấp dẫn. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản,… nhiều bảo tàng luôn nằm trong top địa điểm du lịch hấp dẫn đối với các du khách quốc tế như: Bảo tàng Quốc gia Tokyo (Nhật Bản), Bảo tàng ARC (Hàn Quốc)… Nhìn ra các khu vực khác có Mỹ, Anh, Pháp, I-ta-li-a,… là những “cường quốc” trong lĩnh vực bảo tàng với các bảo tàng nổi tiếng bậc nhất thế giới như: Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Vatican (I-ta-li-a), Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Mỹ), Bảo tàng trung tâm J.Paul Getty (Mỹ), Bảo tàng Tate Modern (Anh)… Đơn cử Bảo tàng Louvre là một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới, nơi trưng bày hiện vật về những nền văn minh cổ, nghệ thuật Hồi giáo, nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ 13 cho tới giữa thế kỷ 19. Bộ sưu tập của Bảo tàng Louvre gồm hơn 380 nghìn hiện vật, nhưng chỉ có khoảng 35 nghìn hiện vật được trưng bày thường xuyên. Đặc biệt, bảo tàng này còn là địa điểm thu phí được tham quan nhiều nhất Paris, đồng thời cũng là bảo tàng thu hút nhất thế giới với hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Hoạt động bảo tàng vận hành hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Trước hết, đó là địa chỉ để thế hệ đương đại tìm hiểu quá khứ dân tộc, các thành tựu chính trị – kinh tế – văn hóa – nghệ thuật cha ông đạt được, hiểu tiến trình lịch sử dân tộc từ quá khứ đến hiện tại, từ đó xác định trách nhiệm tiếp nối truyền thống. Sau đó, vừa góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa đất nước với thế giới qua việc thu hút khách du lịch nước ngoài, thu hút các nhà nghiên cứu,… vừa mang lại nguồn lợi về kinh tế. Nhà nước ta đã đầu tư khá lớn cho việc xây dựng, củng cố, duy trì hệ thống bảo tàng trên cả nước, cho nên vấn đề là cần làm thế nào để các thiết chế văn hóa này khởi sắc. Cần chú trọng vấn đề cập nhật và bắt nhịp được xu hướng phát triển chung của các bảo tàng trong khu vực và thế giới. Bên cạnh sự đầu tư thích đáng về kinh tế, cần nâng cao trình độ, thay đổi nhận thức và phong cách làm việc của người làm công tác bảo tàng, chú trọng hoạt động truyền thông, giới thiệu về bảo tàng để thu hút khách tham quan. Và việc này liên quan tới hoạt động của ngành du lịch qua việc phối hợp với các hãng lữ hành khai thác hiệu quả tiềm năng từ du lịch, qua đó đưa bảo tàng trở thành điểm đến quen thuộc, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
MINH AN
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam