Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
24/04/2018 13:59

Báo Việt Nam Độc Lập - Những đóng góp cho Cách mạng

Nhân kỷ niệm 68 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2018), vài nét nhớ về Báo Việt Nam Độc Lập - tờ báo của một thời, để thay lời tri ân nhà báo lớn Hồ Chí Minh và các thế hệ làm báo của một thời chưa xa và không thể
Nhân kỷ niệm 68 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2018), vài nét nhớ về Báo Việt Nam Độc Lập - tờ báo của một thời, để thay lời tri ân nhà báo lớn Hồ Chí Minh và các thế hệ làm báo của một thời chưa xa và không thể lãng quên.

Báo Việt Nam Độc Lập số 765+766 Xuân Canh Tý năm 1960. Ảnh: TL

Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho ra đời tờ báo Việt Nam Độc lập ở Việt Bắc năm 1941 có ý nghĩa thật to lớn. Không hẳn là sự tiếp nối Báo Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên xuất bản tại Hương Cảng (Trung Quốc), bởi Việt Nam Độc Lập được xuất bản và phát hành ngay trong nước, trong sự kiểm tỏa của kẻ thù là Thực dân Pháp, phát xít Nhật. Và, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã truyền bá cách mạng ngay trên quê hương mình, cho đồng bào mình. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác Hồ về tới Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ ngày 10 - 19/5/1941, Bác tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, Hội nghị thống nhất nhiều quyết sách lớn: Thành lập Mặt trận Việt Minh; mở rộng căn cứ địa đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp... Hội nghị đã quyết định xuất bản một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền, cổ động cho Mặt trận Việt Minh, lấy tên theo mục tiêu của cách mạng là Việt Nam Độc Lập. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, sau hơn 2 tháng chuẩn bị, Bác vừa chỉ đạo, vừa là người viết, người duyệt, vẽ tranh minh họa, tranh cổ động, tham gia in ấn. Số đầu tiên (101) ra ngày 1/8/1941, (hiện nay Bảo tàng Cách mạng Việt còn lưu trữ được bản gốc của 156 số). Trong hoàn cảnh làm báo vô cùng gian nan, khó khăn, nhưng Bác đã thể hiện một cách sinh động đường lối cách mạng, chứa đựng trong từng tin, bài, niềm tin vào thắng lợi, tin vào sự đúng đắn của Chủ nghĩa Mác-Lê nin. Những tác phẩm báo chí do Bác viết hoặc cho đăng cho đến ngày nay luôn là cẩm nang về lý luận cũng như phương pháp làm báo, ngay bài xã luận số đầu (101) Bác đã viết: “Tây cốt làm cho dân ta ngu, dân ta hèn. Ngu thì phải hèn. Ta ngu hèn thì nó dễ trị, dễ ăn hiếp, dễ bóc lột.”; số 109 ra ngày 21/10/1941, bài Nga-Đức chiến tranh, Bác viết: “Nga là một nước cách mệnh. Đức là một nước phát xít. Nếu Đức thắng toàn loài người sẽ bị vòng nô lệ. Nếu Nga thắng thì thế giới mới mong có ngày vẻ vang... Ta có thể chắc rằng: Đức nhất định thua. Nga nhất định thắng”... Bác rất quan tâm xây dựng tờ báo, số 115 ngày 10/1/1942, trong bài “Mỗi một đồng chí Việt Minh thì phải giúp báo phát triển” Bác viết: “Báo ta là bạn ta. Bọn thân Tây, thân Nhật có nhiều báo. Những báo ấy (như báo Đông Pháp) là báo nói láo. Như: Tây và Nhật là kẻ thù của dân ta mà những báo đấy cố sức khen Tây và Nhật là tốt. Trái lại, báo Việt Nam Độc Lập lúc nào cũng nói điều hay lẽ phải cho chúng ta theo, dậy cho chúng ta phải đánh Tây, đánh Nhật. Phải giúp báo. Báo là rất cần thiết, quý báu cho chúng ta. Vậy chúng ta phải hết sức giúp cho báo phát triển. Muốn cho báo phát triển, mỗi đồng chí Việt Minh phải: Tìm thêm người quyên tiền cho báo; tổ chức Hội đọc báo, giảng báo; gửi tin tức cho báo. Báo ta phát triển tức là đoàn thể ta phát triển, tức là sự nghiệp giải phóng chóng thành công”. Trong chuyên mục “Cán bộ và báo” cũng với tinh thần vì tờ báo bác viết: “Ai mua báo phải có tiền gửi cho báo. Hết hạn không mua thêm thì thông tri cho báo biết. Chú ý! Nhà báo mua giấy rất khó và rất đắt, vậy bắt đầu từ số này, buộc phải ra mỗi tháng 2 kỳ, mùng một và rằm, đồng thời tăng giá bán lên mỗi số 1 hào”.

Hình ảnh tuyên thệ dưới lá cờ Tổ quốc của các chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là hình ảnh có ý nghĩa thiêng liêng đối với toàn dân tộc. (Ảnh: TTXVN)

Báo Việt Nam Độc Lập có những số đặc biệt quan trọng trong lịch sử nội dung của báo chí cách mạng. Số 226 phát hành ngày 20/8/1945 là một trong những số như vậy. Trong bài “Giờ giải phóng đã đến” viết: “Ngày giải phóng của 25 triệu đồng bào đã tới! Hỡi hết thảy đồng bào! Hỡi những ai biết yêu nước thương nòi! Hãy mau hưởng ứng Việt Minh dưới ngọn cờ chỉ đạo sao vàng năm cánh, mau đứng lên cướp chính quyền, thành lập chính phủ lâm thời nhân dân hết sức rộng rãi trên nền tự do Tân dân chủ. Lúc này ai còn do dự là đắc tội với quốc dân”. Trong số 230 ra ngày 10/10/1945 đã đăng tin làm nô nức lòng người “Tuần lễ vàng ở khắp nơi đạt kết quả mỹ mãn: Hà Nội quyên được 2.549 lạng vàng, 2 triệu 551 ngàn đồng, 9.200 tấn thóc; Hải Phòng: 626 lạng vàng, 590 lạng bạc; Nam Định: 252 lạng vàng; Hà Tĩnh 163 lạng vàng; Huế: 200 ki-lô vàng; Quảng Trị 250 lạng vàng. Các nơi tiếp tục quyên góp”... Báo Việt Nam Độc Lập thực sự có những đóng góp to lớn cho quá trình giải phóng dân tộc. Tháng 8/1956, Khu Tự trị Việt Bắc được thành lập, Báo Việt Nam Độc Lập trở thành cơ quan ngôn luận của Khu ủy, chính quyền và nhân dân 6 tỉnh trong khu và kết thúc nhiệm vụ vào số cuối cùng 1737 ngày 11/3/1976. Báo Việt Nam Độc Lập ghi dấu ấn đậm nét trong những năm tháng trước Cách mạng. Qua các trang báo, người đọc thấy rõ được những chủ trương, đường lối của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình bày rất cụ thể bằng một phương pháp rất đặc biệt, một lối văn dễ hiểu, sâu sắc, gây xúc động lòng người.

Nguồn: nguoilambao.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam