Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
07/05/2018 13:54

Điện Biên Phủ trên báo chí phương Tây

Nửa cuối năm 1953, đầu 1954, cuộc đối đầu của quân Pháp và Việt Minh ở Điện Biên Phủ trở thành “dòng chủ lưu” trong báo chí phương Tây. Ngày 20-11-1953, Navarre quyết định gia tăng lực lượng ở Điện Biên Phủ lên 12.000 quân, có sân
Nửa cuối năm 1953, đầu 1954, cuộc đối đầu của quân Pháp và Việt Minh ở Điện Biên Phủ trở thành “dòng chủ lưu” trong báo chí phương Tây.

Ngày 20-11-1953, Navarre quyết định gia tăng lực lượng ở Điện Biên Phủ lên 12.000 quân, có sân bay, trọng pháo và thiết giáp yểm trợ, biến nơi này thành một tập đoàn 49 cứ điểm hùng hậu, chia làm ba phân khu. Bộ chỉ huy Pháp chỉ mong “nhử” được đối phương đến cái “cối xay thịt” này. Họ cho máy bay rải truyền đơn quanh vùng, khiêu chiến, thách Việt Minh đánh Điện Biên Phủ.

Dàn đồng ca lạc quan

Thời gian đầu, báo chí Pháp đưa tin về “cuộc đối đầu lịch sử” một cách rất hứng khởi. Chỉ hai ngày sau quyết định của Navarre, tờ France-Soir chạy tít lớn trên trang nhất: “Chiến dịch to lớn Pháp-Việt vào xứ Thái Đông Dương. Mưa dù xuống Điện Biên Phủ”(1). Tờ L’Aurore thì viết: “Cú đánh điếng người của Navarre vào quân Việt. Hàng ngàn quân nhảy dù đã chiếm Điện Biên Phủ, ở xứ Thái, cách Hà Nội 290 km. Quân đội Pháp vững tin ở chất lượng của binh lính và tài năng của các vị chỉ huy”.

Ngày 27-11-1953, báo Le Monde của Pháp bình luận: “Chúng ta không còn trong thế bị động như hai năm trước đây. Khắp nơi chúng ta đã giành lại thế chủ động”.

Suốt từ tháng 11-1953 kéo sang đầu năm 1954, báo chí Pháp đưa tin rộn ràng về Điện Biên Phủ. Họ đăng tải thư chúc tết (dương lịch) của Navarre gửi binh lính, trong đó nói rằng: “Nếu chúng ta thắng trong chiến dịch này thì chúng ta sẽ thắng hoàn toàn. (…) Điều kiện về mặt quân sự đã đầy đủ, chỉ còn lại là sự tùy thuộc vào ý chí chiến đấu của binh sĩ. Năm 1954 là năm chiến thắng của chúng ta”.

Gió đổi hướng

Tuy thế, kể từ tháng 2-1954, tình hình được phản ánh trên báo chí Pháp bắt đầu có những nét khác. Xuất hiện những nốt nhạc “lạ” trong bản đồng ca. Chẳng hạn, tờ Le Monde vào giữa tháng 2 đăng bài của Robert Guillain viết rằng: “Ban đầu, người ta thổi phồng Điện Biên Phủ. Nhưng tình thế đã thay đổi. Điện Biên Phủ là một cái ung nhọt quân sự. Việt Minh sẽ đặt pháo của họ không phải ở phía bên kia sườn núi mà ở sườn phía chúng ta, ngay dưới mũi chúng ta”. Một tờ khác là L’Observateur, số ra ngày 19-2-1954, cũng viết rất bi quan: “… Tất cả đều vô ích mà thôi. Tất cả đều không làm gì được quân đội nhân dân Việt Nam”.

Quân Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên Phủ (ảnh trên) và thất trận lũ lượt ra hàng (ảnh dưới). Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày 13-3, quân ta đánh trận mở màn, bắn pháo dữ dội và chiếm được cụm cứ điểm Him Lam. L’Aurore, tờ báo đã ca ngợi Navarre và binh lính Pháp rầm rộ ngay từ đầu, bây giờ vớt vát bằng một bài trên số ra ngày 15-3 rằng “40.000 quân Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ và đã bị quân Pháp đẩy lùi, gây cho họ nhiều thiệt hại to lớn”. Dù vậy, tình hình chiến trận thì lại không diễn biến như họ mong đợi. Từ ngày 13 đến 17-3, Việt Minh lần lượt tiêu diệt mỗi ngày một cứ điểm: đồi Độc Lập, Bản Kéo, xóa sổ toàn bộ phân khu Bắc.

Khúc dạo đầu lạc quan đã tắt. Giờ đây, báo chí Pháp theo dõi chiến trường Điện Biên Phủ trong tâm trạng lo sợ và căng thẳng, cầu nguyện cho “những đứa con của nước Pháp”. Nguy cơ bại trận ngày một lớn dần, rõ nét dần. Ngày 29-4, L’Observateur trích lời một số quan chức quân sự Pháp để giải thích về thất bại với giọng điệu ngược lại khúc dạo đầu thuở nào: “Khi đã phải rút khỏi Lai Châu và Nà Sản, mà Pháp lại đưa gần 2 vạn quân vào thung lũng Điện Biên, đó là một tội ác chính trị”.

Thảm bại

Ký giả Hungary Salgó László là một trong những nhà báo nước ngoài đầu tiên có dịp đến Ðiện Biên Phủ (năm 1958) để tìm hiểu tại thực địa cuộc chiến đấu diễn ra bốn năm trước đó. Ông viết:

“Ngày 6-5, hỏa lực có phần giảm. Hầu như ngay trong một không gian gần, đột ngột, một âm thanh khác vang lên. Một giọng hát, một giai điệu quen thuộc.

Yves Montand cất giọng ca.

Những khẩu đại bác của tướng Giáp lặng im, nhường chỗ cho bản hành khúc quen thuộc của du kích quân Pháp được phát từ các loa phóng thanh. Giọng Yves Montand vang vọng giữa núi đồi: "Ce soir, l'ennemi connaîtra le prix du sang et des larmes... Chantez, compagnons, dans la nuit la liberté nous écoute" ("Ðêm nay, kẻ thù sẽ biết cái giá của máu và nước mắt... Hãy hát lên, bạn chiến đấu của tôi, trong bóng đêm, tự do đang lắng nghe ta...").

… Sáng 7-5, rồi những chiếc loa cũng im lặng. Tiếng súng nhấn chìm giọng ca của người ca sĩ”.

Chiều 7-5, Điện Biên Phủ thất thủ. Nước Pháp choáng váng. Báo chí cố gắng duy trì “tinh thần Pháp” bằng những bài viết ca ngợi sự anh hùng đến phút cuối của tướng De Castries và các binh sĩ. Tờ L’Aurore số ra ngày 8-5 chạy hàng tít: “Nước Pháp tự hào về những binh sĩ của mình trong Điện Biên Phủ”.

Nhưng thực tế là De Castries đã đầu hàng. “Với việc cho cắm lá cờ trắng trên hầm chỉ huy, tướng De Castries đã hạ vũ khí và đặt dấu chấm hết cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ. 16 đại tá, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan, 11.721 quân nhân theo ông vào trại tù binh” - Salgó László viết.

Thất trận, báo chí Pháp chuyển sang phân tích, quy trách nhiệm về thất bại. “Nước Pháp mắc kẹt trong những việc đã rồi, trong ảo tưởng và lừa bịp” (Franc-Tireur, 8-5-1954), “Nước Pháp thua là vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa” (France Nouvelle, cùng ngày), v.v… Dù cố gắng giữ thể diện đến mấy, phần đông các báo đều hiểu rằng “Điện Biên Phủ là thất bại to nhất kể từ ngày Pháp đầu hàng Đức năm 1940” (Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên báo Cứu Quốc).

Về phía Việt Nam khi ấy, tin chiến thắng làm nức lòng quân dân cả nước. Từ ngày 7-5, các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Cứu Quốc (sau này là Đại Đoàn Kết) của ta đã tràn ngập tin, bài phản ánh không khí khải hoàn.

Một trong những cây bút bình luận chính trị sắc bén thời đó chính là Hồ Chủ tịch. Trong một bài viết trên báo Cứu Quốc với bút danh Đ.X., Người đã dự đoán trước: “Càng thất bại thì địch càng hung dữ, càng gần thắng lợi thì ta càng gặp nhiều khó khăn. Thật vậy, ở Hội nghị Giơ-ne-vơ (Geneva), bề ngoài thì địch nói muốn thương lượng nhưng sự thật thì chúng đang gấp rút điều binh khiển tướng để tiếp tục chiến tranh. Để giành lấy thắng lợi mới, chúng ta phải ra sức vượt khó khăn mới; quân, dân và cán bộ ta, mỗi người phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ, tuyệt đối chớ khinh địch, chớ chủ quan”. Và Người kết luận: “Nhiều Điện Biên Phủ khác đang chờ đợi chúng ta”.

Thực tế diễn ra đúng như Bác nhận định. Ở Geneva, bên bàn đàm phán, một cuộc chiến khác đã được khởi đầu vào đúng lúc ấy: Cuộc chiến trên mặt trận ngoại giao…

Nguồn: plo.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam