Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
29/06/2018 19:49

Kho ảnh tư liệu quý về văn nghệ và kháng chiến

Bức ảnh đạo diễn, diễn viên Thế Lữ hóa trang trước buổi biểu diễn của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu được tạp chí Réponses Photo (Pháp) trao giải nhì, hạng mục ảnh chân dung năm 2000. Đó là cuốn sách mà cả đời làm nghệ thuật nhà nhiếp

Bức ảnh đạo diễn, diễn viên Thế Lữ hóa trang trước buổi biểu diễn của nhiếp ảnh gia Trần Văn Lưu được tạp chí Réponses Photo (Pháp) trao giải nhì, hạng mục ảnh chân dung năm 2000.

Đó là cuốn sách mà cả đời làm nghệ thuật nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu từng mơ ước và phải 15 năm sau khi ông qua đời mới thành hiện thực. “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu”, vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, tập hợp hơn 300 tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chụp trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những bức ảnh đen trắng được tác giả gìn giữ vượt qua khó khăn, vất vả của cuộc đời - sau hơn 60 năm đã trở thành những tư liệu quý, mô tả chân thực, chính xác cuộc sống, sinh hoạt của người dân, chiến sĩ, trẻ em và các văn nghệ sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Trần Văn Lưu sinh năm 1917 ở phố Hàng Sắt, Nam Định. Ông cùng người em đồng hao là Nguyễn Hồng Nghi mày mò tự học làm ảnh. Khi đã có kinh nghiệm và vốn liếng tài chính, năm 1942, hai anh em lên Hà Nội mở hiệu ảnh Photo Atelier, hay còn gọi là Hà Nội ảnh quán. Vài ngày sau ngày 2-9-1945, một số nhà nhiếp ảnh và hiệu ảnh lớn tại Hà Nội được chọn vào Phủ Chủ tịch chụp chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiệu ảnh Photo Atelier là một trong số sáu cơ sở được chọn và hai bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của hiệu ảnh này đã được Nha thông tin tuyên truyền sử dụng. Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Trần Văn Lưu đưa cả gia đình tản cư về vùng rừng núi huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ông được mời chụp ảnh cho hầu hết các sự kiện của các cơ quan dân, chính và quân đội đang đóng tại Liên khu I lúc đó. Tại Hội nghị Văn nghệ bộ đội được tổ chức tại Thái Nguyên, Trần Văn Lưu đã ghi lại được một hình ảnh đặc sắc: “Đạo diễn, diễn viên Thế Lữ cùng các đồng nghiệp đang hóa trang trước buổi diễn vở “Đề Thám xuất quân”. Có thể nói đây là một trong những tác phẩm nổi bật của ông. Hình ảnh Thế Lữ trong bức ảnh có một sức lôi cuốn kỳ lạ, nhất là đôi mắt. Năm 2000, tờ tạp chí chuyên về nhiếp ảnh của Pháp - Réponses Photo đã trao giải nhì, hạng mục chân dung cho bức ảnh này. Là thành viên Ban Chấp hành Đoàn Nhiếp ảnh Việt Nam được thành lập năm 1949, ống kính Trần Văn Lưu càng có điều kiện bám sát các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông đi nhiều và chụp nhiều, tham gia chiến dịch Thu Đông năm 1949, ra mặt trận Thái Đào (Bắc Giang) cùng Nguyễn Đỗ Cung, Nguyên Hồng, Kim Lân…, với đại đội pháo 40 do đại tá Đào Văn Trường chỉ huy. Ông còn tham gia giảng dạy cho lớp hướng dẫn nhiếp ảnh đầu tiên trong kháng chiến cùng các nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Hồng Tranh… Trần Văn Lưu luôn tự xác định mình là một người làm nghề chuyên nghiệp. Ông phân biệt rõ ảnh nghệ thuật và ảnh tài liệu - báo chí. Các tác phẩm ảnh nghệ thuật không chỉ với mục đích ghi chép làm tư liệu hay phản ánh hiện thực mà còn nhằm truyền đạt đến người xem những cảm xúc thẩm mỹ và giá trị nhân văn. Trần Văn Lưu chủ yếu chụp ảnh tư liệu, nhưng trong những bức ảnh ông chụp cũng có nhiều bức từ vị trí ảnh tư liệu đã trở thành tác phẩm ảnh nghệ thuật. Nghệ thuật của Trần Văn Lưu có khả năng hướng cho rất nhiều người cách nhìn thế giới bằng con mắt của người nghệ sĩ. Và chỉ những nghệ sĩ nhiếp ảnh theo đúng nghĩa mới có thể làm được điều đó. Những bức ảnh đen trắng của ông chụp trong kháng chiến chống thực dân Pháp đều được phối hợp tinh tế về sáng - tối, các góc chụp thay đổi, tạo ra những tác phẩm có bố cục mở rộng, mang đầy sự tự tin. Số lượng ảnh của Trần Văn Lưu chụp trong giai đoạn này còn lưu lại khoảng hơn 300 bức. Đây là tài sản vô cùng quý giá bằng hình ảnh về hoạt động văn nghệ và kháng chiến chống thực dân Pháp. Để có những bức ảnh ấy, Trần Văn Lưu không chỉ có lòng nhiệt thành yêu nước, yêu nghề mà còn phải tốn rất nhiều tiền bạc, công sức của cả gia đình ông. Những năm cuối đời, ông Trần Văn Lưu luôn dặn người con của mình rằng: “Sau này cuộc sống có khó khăn, con bán gì cũng được nhưng không được bán hộp phim mà ba đã giữ cả đời này!”. Những bức ảnh đen trắng kia quả là những vật chứng cho một trái tim khao khát sáng tạo nghệ thuật.

Nguồn: nhandan.com.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam