Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
30/06/2022 08:54

Nơi lưu giữ ký ức của các nhà báo

Với mỗi nhà báo, từng hiện vật, mỗi bức ảnh…đều ghi dấu hành trình tác nghiệp trên con đường cầm bút của mình. Để rồi, khi đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của một nhà báo thì mỗi kỷ vật đó được gửi lại, lưu giữ ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Những xúc cảm đặc biệt

Đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2022). Bước chân vào không gian trưng bày theo từng chủ đề và tiến trình phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, được “thực mục sở thị” hiện vật, xem kỹ từng chú thích ảnh, lời ghi chú của mỗi bức hình, tập tài liệu… gắn với từng nhà báo, chắn chắn rằng, trong lòng mỗi du khách sẽ trào dâng niềm xúc động và thán phục thế hệ những người làm báo đi trước.

Nơi lưu giữ ký ức của các nhà báo
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Trong số những tài liệu, hiện vật đang được trưng bày ở đây có những bức ảnh thấm đẫm màu khói lửa chiến tranh dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vô cùng quý giá bởi gắn bó với những năm tháng chiến đấu, tác nghiệp dưới làn đạn quân thù của những nhà báo chiến trường,

Theo báo cáo của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tính đến nay, Bảo tàng đã đón 15.000 lượt khách tham quan. Hiện, kho cơ sở của Bảo tàng hiện đang lưu giữ, bảo quản hơn 30.000 hiện vật, tư liệu. Trong đó, phần lớn là tài liệu hiện vật giấy được khai thác trực tiếp từ 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Đọc hàng trăm dòng cảm xúc của các nhà báo, sinh viên, du khách khi đến tham quan Bảo tàng, chúng tôi hiểu rằng, để có được thành công đó là nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của cán bộ, nhân viên Bảo tàng.

Bên cạnh các khu vực trưng bày thường xuyên, khu vực trải nghiệm các loại hình báo chí và các khu chức năng khác, Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn dành riêng không gian để khách tham quan đọc sách báo, tra cứu tài liệu. Trước khi rời đi, các vị khách có thể ghi lại cảm tưởng của mình và ký tên lưu niệm trên vách.

Với số lượng khách tham quan tăng lên từng ngày, Bảo tàng Báo chí Việt Nam liên tục bổ sung các cuốn sổ ghi cảm tưởng mới và tăng thêm không gian để các du khách có thể lưu lại chữ ký của mình ở nơi đây.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa (Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam) cho biết: Dịp 21-6 năm nay rất đặc biệt đối với Bảo tàng Báo chí Việt Nam bởi cũng là dịp tròn 2 năm Bảo tàng khánh thành không gian trưng bày thường xuyên và mở cửa đón khách tham quan. Đó là 2 năm quan trọng mở đầu chặng đường khẳng định tên tuổi, vị trí của một bảo tàng non trẻ trong hệ thống bảo tàng quốc gia nước ta, trên hành trình trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Nơi lưu giữ ký ức của các nhà báo
Khách tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Trong một lần đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đồng chí Lê Quốc Minh khi đó là Phó tổng giám đốc TTXVN (hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) đã ghi trong cuốn sổ cảm tưởng rằng: Thật tự hào về những cống hiến của thế hệ nhà báo đi trước, những hy sinh không gì bù đắp nổi nhưng rất đỗi vinh quang. Đó sẽ là động lực để thế hệ sau nỗ lực hơn nữa vì một nền báo chí chuyên nghiệp, chất lượng cao, luôn phụng sự Tổ quốc và độc giả, khán thính giả.

Sinh viên Nguyễn Văn Hòa (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) bày tỏ: "Đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Các không gian trưng bày mỗi thời kỳ báo chí ở đây đều mang màu sắc riêng. Tôi rất ấn tượng khi được tận mắt nhìn thấy những tờ báo đầu tiên của Việt Nam. Những tờ báo từ thuở ban đầu tuy giản dị nhưng chứa đựng biết bao tâm huyết, trách nhiệm của người cầm bút".

Thay mặt đoàn cựu chiến binh cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam, ông Bùi Đình Khôi khi đến thăm Bảo tàng chia sẻ: Việc trưng bày rất khoa học và phong phú, giúp người xem biết được sự ra đời, hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam.

Với những người làm báo thì khi đến thăm bảo tàng đều để lại cảm xúc đặc biệt, chị Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ TTXVN cảm nhận: "Chúng tôi rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến quá trình phát triển của báo chí Việt Nam qua những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý mà bảo tàng đã dày công sưu tầm và thể hiện trong một không gian trưng bày hiện đại, sống động. Chúng tôi hy vọng, với những tâm huyết của những người làm công tác truyền thống báo chí, Bảo tàng sẽ tiếp tục trở thành địa chỉ cho những thế hệ làm báo sau này nghiên cứu, học tập, phát huy truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam".

Lăng kính của những người làm báo

Trưng bày "100 năm Báo Le Paria" được bảo tàng tổ chức từ cuối tháng 3-2022, và giới thiệu tại Hội báo toàn quốc giữa tháng 4-2022. Trưng bày đã đến với sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tháng 5-2022 và ngày 17-6 vừa qua, triển lãm cũng được giới thiệu với công chúng ở thành phố mang tên Bác. Hiện nay, bảo tàng đang xây dựng kế hoạch tiếp tục giới thiệu, triển lãm tiếp về di sản quý giá tròn 100 năm và gắn liền với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Cần Thơ trong tháng 7 tới.

Được tận mắt nhìn thấy hình ảnh Báo Le Paria - tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập và từng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và những hiện vật trưng bày tại bảo tàng, ông Lương Tất Đạt, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, vị khách đã ngoài 80 tuổi bước đi chậm rãi, ngắm nhìn từng vách, xem kỹ từng hiện vật trưng bày và bày tỏ xúc động khi thấy toàn bộ tiến trình lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam được tái hiện một cách sinh động và dễ nhớ.

Nơi lưu giữ ký ức của các nhà báo
Không gian trưng bày của Báo Quân đội nhân dân tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. 

Ông Lương Tất Đạt chia sẻ: “Tôi rất vui được đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng đã sưu tầm được những hiện vật rất quý giá, đó là những tờ báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam, như những tờ: Gia Định Báo, Thanh niên… rồi trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến thời kỳ hiện nay là thời kỳ nở rộ của nhiều loại hình báo chí: Báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử…".

“Tôi đặc biệt xúc động được thăm nơi trưng bày về tờ báo Le Paria, tờ báo do Bác Hồ tham gia sáng lập và vận hành, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ra đời tờ báo này. Xem những bản in của tờ báo càng thấm thía tâm huyết và tài năng của Người, một nhà báo lớn của chúng ta trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn (về tài chính, về việc bị cấm đoán…) mà vẫn cho ra đời và vận hành được một tờ báo như vậy, quả là vô cùng đáng khâm phục. Tôi tuy không thuộc giới báo chí, nhưng qua việc đi tham quan bảo tàng này, tôi cũng đã thấy được công phu và tâm huyết của những người làm bảo tàng của chúng ta, mang lại những hiểu biết rất quý giá cho người đến xem. Tôi mong muốn bảo tàng sẽ liên tục phát triển và sẽ có ngày càng nhiều cuộc trưng bày thú vị, thu hút người xem để thế hệ sau biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc qua một lăng kính khác, đó là "lăng kính của những người làm báo”, ông Lương Tất Đạt cho biết.

Nói về trưng bày "100 năm Báo Le Paria", nhà báo Trần Kim Hoa nhấn mạnh: “Tờ báo Le Paria là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động báo chí của nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, đây cũng là tờ báo có vị trí quan trọng, không thể thiếu khi nghiên cứu, tìm hiểu về nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh".

PGS, TS Đặng Thị Thu Hương (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động trưng bày: “Với vai trò, vị trí đặc biệt của tờ báo Le Paria trong cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trưng bày lần này không chỉ là một hoạt động quan trọng giúp sinh viên củng cố thêm kiến thức về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là dịp để tăng cường giáo dục lý tưởng cho sinh viên nhà trường”.

Nơi lưu giữ ký ức của các nhà báo
Độc giả xem trưng bày "100 năm Báo Le Paria".

Sinh viên Phạm Anh Văn, K64 Báo chí (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) rất hứng thú với triển lãm này: “Những kiến thức về báo Le Paria chúng em đã được học trong môn học Lịch sử Báo chí Việt Nam và thế giới. Nhưng lần này được trực tiếp nhìn thấy các bản báo gốc, đọc được những bài báo cụ thể của tờ Le Paria, chúng em được hình dung lại kiến thức về môn học một cách cụ thể, trực quan và thú vị hơn rất nhiều”.

“Bảo tàng Báo chí Việt Nam độc đáo với những câu chuyện được kể một cách hiệu quả và cuốn hút”, đó là nhận xét của nhiều khách quốc tế khi đến thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Bà Hanneke, quốc tịch Hà Lan trong một lần tới bảo tàng đã chia sẻ: “Các không gian trưng bày rất thú vị với nội dung phong phú. Ít có nơi nào trên thế giới có được bảo tàng riêng về báo chí như vậy”.

Tạp chí Vietnam Sketch (Vietnam Sketch Travel & Life Guidebook), một ấn phẩm tiếng Nhật chuyên cung cấp các thông tin đời sống, văn hóa, du lịch... cho khách du lịch Nhật Bản cũng như cộng đồng người Nhật quan tâm đến Việt Nam cũng đã đăng tải bài viết giới thiệu về Bảo tàng Báo chí Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn để du khách lựa chọn khi đến thăm Việt Nam.

“Tôi cảm thấy vui được đến tham quan một bảo tàng hiện đại, đẹp, cách trưng bày phong phú”, Tery Thammalungsee, sinh viên Lào tại Đại học Văn hóa Hà Nội bộc bạch.

Những hình ảnh, hiện vật trưng bày ở bảo tàng đã thu hút sự quan tâm, tham quan, tìm hiểu của đông đảo các tầng lớp nhân dân; góp phần truyền bá tư tưởng, lịch sử cách mạng; giúp người xem có thêm những trải nghiệm phong phú về nghề báo. Qua đó, bồi đắp ý tưởng, nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm cống hiến, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho sự nghiệp báo chí nước nhà, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: qdnd.vn/baotangbaochi.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam