Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
06/12/2018 21:24

Thay đổi tư duy trong công tác bảo tàng

Cả nước hiện có gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân đang mở cửa, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Thực trạng này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về cách làm bảo tàng để phù hợp với cuộc sống
Cả nước hiện có gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân đang mở cửa, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Thực trạng này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về cách làm bảo tàng để phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng. Những ngày cuối tháng 11/2018, có hai sự kiện liên quan công tác bảo tàng diễn ra đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và người yêu thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc. Ðó là hội thảo khoa học - thực tiễn "Tương tác, trải nghiệm từ trưng bày bảo tàng" do Bảo tàng Tôn Ðức Thắng phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh và tọa đàm "Một số vấn đề xây dựng bảo tàng hiện đại" do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội. Ðáng chú ý, tại các diễn đàn này, nhiều chuyên gia thẳng thắn chỉ ra thực trạng đáng lo ngại là, trong gần 200 bảo tàng công lập và tư nhân đang hoạt động trên cả nước hiện nay, số bảo tàng hoạt động thật sự hiệu quả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phần lớn các bảo tàng đều hoạt động cầm chừng, bởi không thu hút được khách tham quan, kể cả những bảo tàng mở cửa tự do, không thu phí. Việc vắng khách đã phần nào cho thấy giá trị thực tiễn của bảo tàng chưa đáp ứng được đòi hỏi của công chúng, thậm chí có bảo tàng nhiều khi tồn tại chỉ còn mang tính hình thức. Ðiều này cũng đang tạo nên một nghịch lý. Các hoạt động như chỉnh trang, sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung hiện vật, tổ chức hoạt động mới... cho bảo tàng bị ảnh hưởng do thiếu kinh phí, thậm chí không có động lực. Nhưng nếu không nâng cấp bảo tàng, đa dạng hóa các hoạt động tham quan sẽ khó thu hút, khó mời gọi được du khách ghé thăm. Vòng luẩn quẩn ấy đang đòi hỏi từng bảo tàng phải nhanh chóng tìm được biện pháp tháo gỡ. Việc mở cửa mỗi ngày, sẵn sàng đón khách tưởng là chuyện đơn giản, song đang là bài toán khó tìm ra lời giải với nhiều cơ sở bảo tàng. Bảo tàng không phải "tháp ngà", mà cần phải là nơi phản biện xã hội, kể được câu chuyện của đời sống đương đại - quan điểm này của PGS, TS Nguyễn Văn Huy đã được hiện thực hóa ngay từ khi ông còn đảm đương trọng trách Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Từ năm 1995, khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chính thức mở cửa đón khách, công chúng đã hết sức ngạc nhiên, thích thú khi được trực tiếp nghe người dân của các vùng miền chia sẻ những câu chuyện gắn với văn hóa, tập tục của địa phương mình trong một không gian mở thay vì bị bó hẹp trong phòng trưng bày cứng nhắc như cách làm thường thấy. Cùng với đó, khách tham quan còn được tham dự các hoạt động giao lưu văn hóa, trẻ em có phòng riêng để khám phá các giá trị văn hóa - lịch sử phù hợp với lứa tuổi... Nhờ vậy, khách tham quan thuộc nhiều thế hệ khác nhau đều có được những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa. Việc mạnh dạn mở ra một hướng đi mới trong tổ chức các hoạt động ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi đó ít nhiều đã thay đổi quan niệm của giới làm bảo tàng trong nước. Thậm chí, có người còn ví đây như là một "cuộc cách mạng" trong trưng bày bảo tàng ở Việt Nam và đưa hoạt động của bảo tàng chuyển từ "tĩnh" sang "động". Nhưng trên thực tế, không phải bảo tàng nào cũng sẵn sàng thay đổi. Cách nghĩ, cách làm vốn lâu nay đã "ăn vào nếp" cho nên tại khá nhiều bảo tàng mô hình thường thấy vẫn là các phòng trưng bày hiện vật sắp xếp theo thời gian. Tùy theo khả năng thu thập mà từng bảo tàng có số lượng hiện vật nhiều hay ít. Có nơi quá dư thừa mà thiếu trọng tâm, có chỗ lại khá nghèo nàn, bày trí thiếu khoa học. Ðể giúp khách tham quan hiểu được nội dung, ý nghĩa của hiện vật, thông thường các bảo tàng có các tài liệu như: sách, tranh ảnh, bảng chú thích, tờ rơi giới thiệu, video... cùng với sự hỗ trợ của hướng dẫn viên. Tuy nhiên, ở một số bảo tàng, thông tin giới thiệu lại sơ sài, cẩu thả, đội ngũ thuyết minh non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn, đôi khi nói "như máy ghi âm", thậm chí sai về sử liệu, gây ra nhầm lẫn tai hại, khiến du khách bức xúc. Chưa kể các hoạt động của phần lớn các bảo tàng đều đơn điệu, nhàm chán cho nên khó hấp dẫn được khách tham quan. Thực trạng này dẫn đến kết cục tất yếu là bảo tàng mở cửa nhưng vắng người, khách tham quan thường chỉ đến một lần là không muốn quay trở lại. Ðiều đáng nói là dù hàng loạt bảo tàng đang hoạt động kém hiệu quả như vậy nhưng ở một số địa phương lại xuất hiện tình trạng đua nhau xây bảo tàng để chào mừng các ngày lễ lớn, hoặc tư duy "hoành tráng hóa" các công trình bảo tàng, để rồi không thiếu bảo tàng khánh thành xong chỉ có "vỏ" mà không có "ruột", gây lãng phí lớn. Cần phải nhìn nhận một thực tế là sự giảm sút số lượng khách tham quan tại một số bảo tàng hiện nay có nguyên nhân từ sự lạc hậu, chậm thay đổi trong cách vận hành của bảo tàng, không nắm bắt được nhu cầu của công chúng. Rõ ràng, nếu hoạt động của bảo tàng không lấy khách tham quan làm trung tâm, không lấy mục tiêu phục vụ cộng đồng làm trọng yếu thì tất yếu sẽ bị đào thải. Việc thay đổi cách tổ chức, vận hành hoạt động của bảo tàng theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế chung và nhu cầu của cộng đồng đang là một đòi hỏi bức thiết. Hiện nay, mô hình "bảo tàng thông minh" với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới. Các bảo tàng ở Việt Nam nếu muốn thu hút khách có lẽ cũng nên nghiêm túc tham khảo, nghiên cứu về xu thế này. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của các loại hình bảo tàng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của khách tham quan, như: bảo tàng kỹ thuật số (digital museum), bảo tàng trực tuyến (online museum), bảo tàng mạng (web museum),... Ðồng thời, trong hoạt động của bảo tàng truyền thống cũng có thay đổi mạnh mẽ như việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thuyết minh tự động, phim 3D,... giúp không gian bảo tàng không bị bó hẹp giữa bốn bức tường, mà trở nên sinh động, hấp dẫn. Khách tham quan qua đó sẽ thu nhận được sự tối ưu nhất cho bản thân trong khi khám phá các giá trị quá khứ được lưu giữ, tôn vinh tại bảo tàng. Ðòi hỏi từ thực tiễn và lối sống ngày một năng động, gấp gáp hơn đã khiến không phải ai cũng có đủ thời gian để tham quan hết các gian trưng bày tại một bảo tàng. Thế nhưng, sự xuất hiện của bảo tàng thông minh cũng như ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp công chúng có thể chủ động tiếp cận, tìm hiểu, khám phá, nhất là với bảo tàng có quy mô lớn. Thí dụ, Bảo tàng Hermitage (Nga) gồm sáu khối nhà với 1.057 phòng, tọa lạc trên diện tích rộng tới 4,65 km². Nếu khách tham quan chỉ dừng ngắm mỗi hiện vật trưng bày tại đây trong vòng một phút sẽ phải cần đến sáu năm mới có thể chiêm ngưỡng được hết các hiện vật. Tương tự, Bảo tàng Louvre (Pháp) diện tích 210 nghìn m2, trong đó có 60.600 m² dành cho tám khu trưng bày chính cho nên để tham quan hết bảo tàng, nếu chỉ lướt qua thì du khách cũng phải mất hàng tuần lễ. Vậy nhưng, với sự trợ giúp của công nghệ như phim 3D, không gian thực tế ảo, phòng tương tác giữa người xem với hiện vật,... giúp khách tham quan rút ngắn thời gian tìm hiểu về bảo tàng sao cho phù hợp với nhu cầu, sở thích của mỗi người. Mặt khác, công nghệ số còn giúp tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hiện vật được trưng bày với bối cảnh được phục dựng, giúp người xem dễ dàng hình dung về "đời sống" trước đó của hiện vật. Tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York (Mỹ), sở dĩ khu trưng bày "khủng long bay" thu hút đông khách tham quan là bởi tại đây, các nhà khoa học sử dụng máy tính để phục dựng quái vật tiền sử, từ khung xương, cơ bắp đến da; đồng thời thông qua các tư liệu khảo cổ để phục dựng đời sống của loài khủng long thông qua các thước phim 3D. Những ứng dụng của công nghệ số trong hoạt động của bảo tàng đã giúp tạo ra môi trường trải nghiệm cho khách tham quan, do đó bảo tàng không còn là những gian trưng bày tĩnh với các hiện vật khô khan mà trở thành những tư liệu lịch sử sống động, hấp dẫn. Ở Việt Nam hiện nay, nhờ bước đầu ứng dụng thành công công nghệ mới trong việc trưng bày và triển lãm hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Ðức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Khu di tích địa đạo Củ Chi,... cũng đang tạo ra bước phát triển đột phá. Từ sự thống nhất về nguyên tắc coi bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử - văn hóa của quá khứ mà cần trở thành nơi kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, gắn với sự phát triển của xã hội, việc tổ chức hoạt động tại các bảo tàng cần đa dạng, hấp dẫn, phù hợp đời sống đương đại, không thể đóng khung, biến thành "tháp ngà", nặng tính hàn lâm nhưng lại xa lạ với cộng đồng. Sự xuất hiện của bảo tàng thông minh đang mở ra một hướng đi mới, đòi hỏi các bảo tàng cần nhanh chóng nắm bắt, kịp thời thích ứng với xu thế thời đại. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng dù sự tham gia của công nghệ vào lĩnh vực bảo tàng có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế được vai trò của con người. Vì vậy, đội ngũ những người làm công tác bảo tàng cần không ngừng nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt và đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe của công chúng. Sự kết nối giữa bảo tàng với các chương trình giáo dục trong nhà trường và cộng đồng, cũng như sự phối hợp với ngành du lịch cần được tăng cường, góp phần mở rộng đối tượng tham quan và đa dạng hóa các chương trình hoạt động, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng. Ðặc biệt, cần xác định khách tham quan như đối tượng trung tâm của hoạt động bảo tàng để tiến hành việc nghiên cứu nhu cầu của công chúng và xây dựng chương trình phù hợp, như vậy sẽ xóa bỏ cung cách tổ chức theo kiểu áp đặt, cứng nhắc một chiều đang tồn tại ở một số nơi. Sẵn sàng thay đổi tư duy, hướng tới mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng sẽ là yếu tố quan trọng giúp các bảo tàng chấm dứt tình trạng đìu hiu, vắng khách như hiện nay.

Nguồn: nhandan.com.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam