Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
29/08/2017 14:12

Bảo tàng thông minh: Cơ hội trải nghiệm cho khách tham quan

Công nghệ phát triển với ứng dụng độc đáo đã tạo ra những hiệu quả trong các lĩnh vực đời sống cũng như văn hóa. Tại các hệ thống bảo tàng, việc áp dụng các tiến bộ trong công nghệ mang đến cho công chúng những khám phá mới lạ
Công nghệ phát triển với ứng dụng độc đáo đã tạo ra những hiệu quả trong các lĩnh vực đời sống cũng như văn hóa. Tại các hệ thống bảo tàng, việc áp dụng các tiến bộ trong công nghệ mang đến cho công chúng những khám phá mới lạ đầy tiện ích. Xu thế tất yếu của thời đại Khái niệm bảo tàng thông minh không còn quá xa lạ với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam số lượng các bảo tàng có những ứng dụng công nghệ cao vẫn chiếm số lượng khiêm tốn. Bảo tàng thông minh là hệ thống các bảo tàng với ứng dụng công nghệ cao, gồm bảo tàng trực tuyến (bảo tàng hoàn toàn trên mạng), hoặc bảo tàng truyền thống có ứng dụng công nghệ như công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Nhờ những ứng dụng này mà khách tham quan được tiếp cận với nhiều hình thức khám phá độc đáo. Không cần diện tích trưng bày lớn, tiết kiệm được chi phí, cũng như thời gian tham quan linh hoạt đang là những thế mạnh nổi trội của các bảo tàng hiện đại. Hiện nay trên thế giới, Google cũng đã ra mắt một ứng dụng mang tên là Arts and Culture, giúp đưa các bảo tàng đến với điện thoại thông minh. Với ứng dụng này, người dùng có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật từ hơn 1.000 bảo tàng thuộc 70 quốc gia ngay từ điện thoại của mình. Google Arts and Culture còn hỗ trợ các tour du lịch ảo. Người dùng có thể đưa điện thoại tới gần một hiện vật và ứng dụng sẽ cung cấp tất cả các thông tin về tác phẩm đó. Thậm chí hiện đại hơn sẽ không cần tới các hướng dẫn viên du lịch, nhờ sự tương tác bằng công nghệ hiện đại mà khách tham quan vẫn có cảm giác được trở về với quá khứ 1.000 năm thậm chí hàng triệu năm. Mạnh dạn thử nghiệm Hệ thống bảo tàng tại nước ta rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên, số lượng các bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn các bảo tàng mới chỉ dừng lại ở việc trưng bày các mẫu vật, mô hình hay các hiện vật được tìm thấy thấy một cách đơn giản. Hoặc một số bảo tàng có thêm phần cập nhật các tư liệu, phim ảnh trong quá trình giới thiệu cho khách tham quan. Sự tương tác với người xem còn rất hạn chế, chủ yếu mới ở dạng thô sơ. Việc tham quan, tiếp thu kiến thức bổ ích sẽ thú vị và dễ dàng hơn nếu các bảo tàng áp dụng các ứng dụng công nghệ trong quá trình tương tác với khách tham quan. Tại Việt Nam mới chỉ có một số bảo tàng ứng dụng công nghệ 3D trong trưng bày như tiên phong là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học. Khu trưng bày khảo cổ dưới lòng tòa nhà Quốc hội cũng được xem là bảo tàng khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ 3D trong việc trưng bày và triển lãm các hiện vật. Hay tại TPHCM cũng có 2 điểm tham quan được thí điểm công nghệ mới là: Khu di tích Địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Đặc biệt dự án của một nhóm sinh viên Trường Đại học FPT với ứng dụng bảo tàng thông minh tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Dân tộc học đã mang đến những hiệu quả bất ngờ cho khách tới tham quan: Khi đưa con trai tới tham quan tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, anh Trần Văn Hùng (Thanh Xuân) đã rất thú vị khi đứng trước bức tranh “Chiến thắng Bạch Đằng”. Theo anh Hùng, chỉ cần đưa điện thoại thông minh về phía bức tranh, bố con anh đã có tất cả những dữ liệu thông tin về bức tranh cũng như sự kiện lịch sử này. Điều này thực sự rất thú vị vì người xem có thể tương tác với hiện vật theo mong muốn của mình. Nếu bảo tàng nào cũng có những ứng dụng công nghệ thông minh chắc chắn sẽ thu hút đông du khách tới tham quan. Theo ông Võ Quang Trọng, Giám đốc của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ứng dụng công nghệ của bảo tàng thông minh mà dự án của các sinh viên Trường FPT đã thử nghiệm đã mang lại những kết quả tích cực. Đây là một ý tưởng hết sức sáng tạo của các bạn trẻ mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Ý tưởng này sẽ giúp các bảo tàng đưa các ứng dụng công nghệ để khách tham quan có thêm cơ hội, thêm các kênh thông tin để tìm hiểu khám phá những giá trị trưng bày.
Các ứng dụng thông minh sẽ biến những hiện vật khô khan trở thành những tư liệu lịch sử vô cùng sống động. Bên cạnh việc tra cứu thông tin, bảo tàng tương tác thông minh còn cho phép người tham quan tương tác với các hiện vật, tư liệu thông qua mô hình bảo tàng ảo 3 chiều.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam