Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
23/07/2020 14:42

Bảo tàng Nam Kỳ - công trình kiến trúc đặc sắc

Là một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp xây dựng, Bảo tàng Nam Kỳ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh) là công trình tiêu biểu của kiến trúc Đông Dương.

Một bảo tàng - nhiều dấu ấn

Bảo tàng lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh (số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) được khởi công năm 1926 và hoàn thành xây dựng năm 1928; khởi nguyên có tên gọi Bảo tàng Nam Kỳ. Công trình được xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Auguste Delaval (Pháp).

Bảo tàng Nam Kỳ ra đời từ nhu cầu lưu trữ, bảo quản hiện vật và nghiên cứu của Hội Nghiên cứu Đông Dương. Nhằm thể hiện vai trò của người Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, năm 1928, bảo tàng được đổi tên thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse - tên của vị Thống đốc Nam Kỳ. Ngày 1-1-1929, Bảo tàng ra mắt công chúng với 3.000 hiện vật đầu tiên.

Năm 1979, bảo tàng được đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam -Thành phố Hồ Chí Minh. Tên này được giữ cho đến nay. Tuy vậy, cái tên Bảo tàng Nam Kỳ vẫn được ghi nhớ, như một dấu ấn về lịch sử kiến trúc.

Bảo tàng Nam Kỳ mang phong cách kiến trúc Đông Dương. Các kiến trúc sư Pháp và Việt Nam đã sáng tạo, kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và kiến trúc bản địa, khai thác các yếu tố truyền thống và đặc điểm khí hậu địa phương.

Công trình có mặt bằng đối xứng, với khối đại sảnh hình bát giác như một điểm nhấn, vươn cao với hai tầng mái dốc, các đao mái trang trí rồng phượng cách điệu. Phía trước là khối tiền sảnh, với bộ mái dốc 4 mái, gợi âm hưởng kiến trúc ngôi nhà truyền thống. Hệ thống mái đều lợp ngói âm dương, đua ra khỏi tường bằng những công son. Trước hai dãy nhà là một hệ thống “pergola” (dàn cây leo) bằng bê tông đặc trưng của kiến trúc phương Tây. Phần trang trí kiến trúc trên mặt tiền, nội thất sử dụng nhiều chi tiết, hoa văn... mang âm hưởng truyền thống Á Đông và Việt Nam. Tất cả có sự hài hòa kết nối logic trong tổng thể công trình.

Năm 1970, do nhu cầu mở rộng phần trưng bày, bảo tàng được xây dựng thêm phần nhà phía sau. Tác giả là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Cấu trúc không gian phần xây mới vẫn tôn trọng trên nền kiến trúc cũ, song giản lược hơn ở phần chi tiết.

Bảo tàng lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật quý.

Dòng chảy lịch sử Việt Nam ở đất phương Nam

Cùng với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh là bảo tàng lịch sử có quy mô trưng bày lớn nhất về chiều dài lịch sử Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng còn kế thừa nhiều cổ vật, hiện vật quý, đặc biệt là ở phạm vi địa lý Nam Bộ.

Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh có 18 không gian trưng bày, trong đó có 10 không gian trưng bày lịch sử theo thời gian, 6 không gian trưng bày chuyên đề trong nhà, 1 không gian trưng bày chuyên đề ngoài trời và 1 không gian trưng bày ngắn hạn.

Bảo tàng hiện có hơn 30.000 hiện vật và trên 25.000 đầu sách, báo, tài liệu có giá trị đặc biệt trong các chuyên ngành lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học, bảo tồn - bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ và trưng bày những tư liệu lịch sử của đất nước, là không gian chứa đựng dòng chảy lịch sử Việt Nam ở đất phương Nam. Bản thân công trình cũng là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc có những dấu ấn lịch sử riêng.

Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tôi đã đến đây rất nhiều lần để tìm kiếm tư liệu và hình ảnh phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Kiến trúc công trình, không gian trưng bày và những hiện vật có sự kết nối và cuốn hút đặc biệt”.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh tự hào chia sẻ: “Mỗi năm bảo tàng đón tiếp trung bình trên 350.000 lượt khách tham quan. Chỉ cần dạo quanh bảo tàng, du khách có thể đi suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và văn hóa Việt Nam, tìm hiểu về đặc trưng văn hóa vùng đất phương Nam thông qua hệ thống các phòng trưng bày cố định và chuyên đề đặc biệt, cùng “kho báu” hơn 43.000 tư liệu, hiện vật quý, trong đó có 12 bảo vật quốc gia. Đây là bảo tàng cổ xưa nhất vùng Nam Bộ và hiện là bảo tàng hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh”.

Với những dấu ấn đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước suốt nhiều năm qua.

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam