Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
28/06/2018 14:33

Ảnh báo chí thời 4.0

Một sự kiện đang thu hút được giới báo chí, đặc biệt là các phóng viên ảnh Việt Nam, đó là Triển lãm Ảnh báo chí thế giới tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Nhân dịp này, tọa đàm “Nghề báo ảnh trong thế giới
Một sự kiện đang thu hút được giới báo chí, đặc biệt là các phóng viên ảnh Việt Nam, đó là Triển lãm Ảnh báo chí thế giới tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Nhân dịp này, tọa đàm “Nghề báo ảnh trong thế giới hiện đại” cũng đã được tổ chức, gợi ra những vấn đề về ảnh báo chí, nhất là trong kỷ nguyên số và thời 4.0. Ảnh báo chí thời 4.0

Tác phẩm đoạt giải thưởng “Bức ảnh của năm” chụp José Víctor Salazar Balza bị bắt lửa toàn thân khi tham gia cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động trong một cuộc biểu tình đối với Tổng thống Nicolás Maduro, Caracas, Venezuela, 2017.Ảnh: Ronaldo Schemidt.

1. Sau 15 năm vắng bóng, Triển lãm Ảnh báo chí thế giới đã trở lại Việt Nam. Triển lãm trưng bày 130 tác phẩm thuộc các chủ đề khác nhau, được chọn từ 4.548 nhiếp ảnh gia ở 125 quốc gia với 73.044 bức ảnh. Người xem có dịp xem những tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới năm qua và cảm nhận rõ sức mạnh của ảnh báo chí trong thời đại công nghệ số hôm nay. Triển lãm cũng là dịp để đội ngũ những người làm báo ảnh nước ta soi lại mình, và có những xoay chuyển cho phù hợp với thời cuộc và công chúng. Bước vào triển lãm, ấn tượng mạnh nhất vẫn là những bức ảnh về chiến tranh và xung đột. Trong đó, bức ảnh giành giải thưởng lớn của năm là “Cuộc khủng hoảng Venezuela” của phóng viên ảnh Ronaldo Schemidt (AFP), với khoảnh khắc ngọn lửa bùng cháy trên lưng một người biểu tình trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở Caracas. Ronaldo Schemidt đã bắt được khoảnh khắc đắt giá, mà như anh nói, bản thân anh khi quay lại bấm máy, cũng chưa thật rõ mình chụp gì. “Tôi đã đứng cách đó vài mét, khi cảm thấy hơi nóng phả sau lưng. Tôi quay lại chụp một cách bản năng nhất, không suy nghĩ. Những giây đầu tiên, tôi không biết mình thực sự đang chụp gì vì trước mặt chỉ là một đám cháy lớn. Tôi đã xúc động mạnh khi nhận ra đám cháy đang chuyển động và chạy về phía tôi, đó là một người đàn ông còn sống và bị lửa bám quanh người”- Ronaldo Schemidt chia sẻ. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong danh sách những nước hàng đầu thế giới sử dụng các phương tiện nhiếp ảnh. Nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến từng đánh giá, nếu cách đây 20 năm, chúng ta có độ chênh lệch về thiết bị chụp ảnh, làm ảnh so với các nước hàng đầu thế giới là một nửa thế kỷ, thì nay, đã ngang bằng. Tuy nhiên, ảnh báo chí (photojournalism) của chúng ta thì còn yếu. “Có hàng trăm tờ báo dùng ảnh, nhưng hãy bày cùng lúc những bức ảnh có trên các báo và tạp chí trong một ngày và tìm thấy ở đó bao nhiêu sự kiện thật, sự kiện mới có sức tác động lớn tới độc giả? Đây là vấn đề lớn đặt ra cho chúng ta khi đi tìm câu trả lời ảnh báo chí Việt Nam hiện đã chuyên nghiệp chưa? Làm thế nào để ảnh báo chí thật sự chuyên nghiệp?”- ông Huyến băn khoăn. 2. Nick Út là một nhà báo nổi tiếng, ông từng phóng viên chiến trường của hãng AP tại Việt Nam. Nick Út được thế giới nhớ tới với bức ảnh “Em bé Napalm”- bức ảnh đã đưa ông giành giải thưởng Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí, năm 1973. Mới đây, Nick Út trở lại Việt Nam và trao kỷ vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong đó có chiếc máy ảnh mà ông đã chụp bức “Em bé Napalm”. Theo Nick Út, ảnh báo chí phải trung thực. “Khi bức ảnh “Em bé Napalm” công bố, Tổng thống Mỹ Nixon khi ấy đã nghi ngờ mức độ chân thực của hình ảnh. Có lẽ cũng vì thế nên chính quyền Mỹ không muốn Kim Phúc chết. Họ muốn cô sống để điều tra sự thật về bức ảnh. Còn với tôi, bức ảnh đó là sự thật không thể thật hơn về chiến tranh tại Việt Nam. Mọi nghi ngờ cũng đã được giải tỏa sau đó, khi một video do một người khác quay lại về cảnh máy bay ném bom được đăng tải”- nhà báo Nick Út chia sẻ. Đến giờ, ông vẫn nói “không” với photoshop. “Tôi nghĩ là người phóng viên chụp lúc nào cũng không được photoshop, mà phải chụp tự nhiên”- Nick Út nhấn mạnh, đồng thời thêm rằng, “ảnh báo chí phải cho thấy lương tâm người chụp”. Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Khánh- Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, sự khách quan, trung thực là điều kiện tiên quyết, là tiêu chí cao nhất của thông tin nói chung và thông tin trong ảnh báo chí nói riêng. “Ảnh có những chi tiết thừa, thiếu mới đúng là ảnh báo chí, còn ảnh hoàn hảo quá, sạch sẽ quá thì không phải là ảnh báo chí”- theo ông Khánh. Cựu phóng viên chiến trường Chu Chí Thành đồng tình: “Với ảnh báo chí, không thể đùa bằng việc chỉnh sửa, photoshop. Có thể điều chỉnh màu sắc một vài chi tiết cho dễ nhìn nhưng phải bảo đảm bố cục như cũ và có chú thích rõ ràng”. Tại hội thảo “Sáng tạo tác phẩm ảnh trong thời đại kỹ thuật số”, nhà nhiếp ảnh Việt Văn cũng chia sẻ: Một bức ảnh báo chí phải kể một câu chuyện hay nhiều câu chuyện là tốt nhất bằng hình ảnh. Nếu đó là 1 sự kiện tức thì xảy ra lập tức đòi hỏi phóng viên phải bấm máy ngay thì các yếu tố thuộc về bố cục và tạo hình ở đây sẽ tùy thuộc vào phản xạ đã “ăn” vào máu người chụp. Tuy nhiên, một bức ảnh ghi lại được 1 sự kiện nổi bật thì có thể chấp nhận phạm lỗi (kể cả sơ đẳng) về tạo hình như cột điện rơi vào đầu… nếu hành động xảy ra trong tích tắc. Trong trường hợp này có ảnh mới là quan trọng. Bức ảnh không cần đẹp mà cần thông tin. Tuy nhiên, ông Văn cho rằng, ngày nay quan niệm về ảnh báo chí đã “không còn cứng và nghiêm cẩn như trước”. Cụ thể, nhà nhiếp ảnh Việt Văn dẫn chứng bức ảnh đoạt Giải ảnh Báo chí thế giới năm 2013 của nhiếp ảnh gia Paul Hansen (Thụy Điển) chụp mấy người đàn ông ướt đẫm nước mắt đang bồng thi thể hai em nhỏ Palestine thiệt mạng do tên lửa Israel phóng vào dải Gaza  đã làm xúc động hàng triệu người. Tuy nhiên sự tranh cãi bùng lên khi chính tác giả ảnh thừa nhận có “xử lý” ảnh… Paul Hansen đã dùng phần mềm máy tính để từ bức ảnh “thô” (file gốc) tạo ra nhiều bản copy có độ tương phản ánh sáng (thiếu và thừa) khác nhau, sau đó trộn tất cả những bản copy lại thành 1 bức ảnh duy nhất, có độ nét cao và màu sắc mạnh mẽ hơn. Việc trộn ảnh này sẽ giải quyết làm rõ chi tiết trong phần tối và góp phần làm không khí ảnh kịch tính hơn. Đó là một dạng của ảnh HDR (high dynamic range). Paul cho rằng anh không chắp ghép hay dàn dựng, vì thế không vi phạm luậtchơi. Và ban giám khảo WPP cũng không bình luận gì về việc này. 3. Câu chuyện về ảnh báo chí cũng là chủ đề được thảo luận tại tọa đàm “Nghề báo ảnh trong thế giới hiện đại” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Tọa đàm xoay quanh 2 chủ đề chính là: “Ghi lại bằng hình ảnh thế kỷ 21: Sự biến đổi của nhiếp ảnh” và “Đạo đức Nghề báo ảnh”. Bà Sophie Boshouwers – chuyên gia làm việc tại Tổ chức Ảnh Báo chí thế giới cho rằng, một bức ảnh báo chí tốt có khả năng tạo ra thay đổi trong quan điểm, nhận thức của công chúng. Vậy trong thời kỷ nguyên số, thời 4.0, thế nào là một bức ảnh tốt? Bà Sophie đưa ra những khía cạnh khi xem xét, đánh giá một bức ảnh tốt trong đó nhấn mạnh đến góc chụp của phóng viên là một trong những yếu tố mang tính chất quyết định chất lượng bức ảnh. Bên cạnh đó, vấn đề về bố cục, không gian, thời gian, màu sắc, ánh sáng, tính thời điểm…  là những yếu tố tạo nên sự duy nhất của bức ảnh. Theo bà Sophie Boshouwers, ảnh báo chí - từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay - với sự ra đời của internet và mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội- đã có nhiều thay đổi. Ngoài ra, còn có các vấn đề về sự phát triển của công nghệ đối với ảnh báo chí. Công nghệ ảnh kỹ thuật số (digital) đã thay thế mạnh mẽ công nghệ ảnh phim truyền thống, ảnh đen trắng chuyển sang ảnh mầu. Sự góp mặt của ngày càng nhiều phóng viên ảnh là nữ giới so với trước đây nghề này chỉ  chủ yếu dành cho nam giới... Đặc biệt, phương tiện truyền thông đăng tải ảnh đã có những thay đổi mạnh mẽ với sự ra đời của internet và mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội. Mỗi bức ảnh là góc nhìn chủ quan của người chụp, do vậy, ở bất cứ “thời” nào, để đảm bảo tính chân thực của những bức ảnh, vấn đề đạo đức nghề báo ảnh là một trong những yếu tố quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Nguồn: daidoanket.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam