Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
13/07/2017 18:55

Nhà báo Hữu Thọ: Những câu chuyện “tình bút mực”

Sáng 14/8/2015, lễ tang nhà báo Hữu Thọ đã diễn ra trong sự bùi ngùi, thương tiếc. Tiếc nhớ một con người đã dâng hiến đời mình cho nghề báo cả những phút giây cuối cùng. Nhà báo Hữu Thọ - Ảnh tư liệu Những câu chuyện kỷ niệm của
Sáng 14/8/2015, lễ tang nhà báo Hữu Thọ đã diễn ra trong sự bùi ngùi, thương tiếc. Tiếc nhớ một con người đã dâng hiến đời mình cho nghề báo cả những phút giây cuối cùng.
Nhà báo Hữu Thọ: Những câu chuyện “tình bút mực”
Nhà báo Hữu Thọ - Ảnh tư liệu
Những câu chuyện kỷ niệm của tôi như những nén hương kính viếng bậc cha chú trong nghề báo.

Trả lời phỏng vấn xong mà sửa lại là hèn!

Năm 2008, tôi được tạp chí Người Làm Báo nhờ phỏng vấn nhà báo Hữu Thọ nhân dịp 
21-6. Bấy giờ không khí trong làng báo khá “chùng” sau việc một số phóng viên bị án tù liên quan đến vụ PMU18.
Do vị trí công việc, ông không ít lần coi việc trả lời phỏng vấn các nhà báo là cần thiết dù vào những thời điểm được xem là “nhạy cảm”: “Chẳng lẽ anh em nhiệt tình thế, tâm huyết thế mà mình lại không trả lời. Vậy trả lời thế nào, nhất là những việc mình thấy không bằng lòng nhưng vào thời điểm đó, với cương vị của mình chưa tiện bộc lộ quan điểm công khai? Đúng là tôi từng phải giải thích với anh em tại sao mình làm báo mà lại có lúc “trốn” phỏng vấn là vì thế! Đã có lúc mình chối rồi mà anh em vẫn cứ “xông” vào, không thể không tiếp!”. Nhà báo Hữu Thọ là thế. Một người dám nói và nói thẳng, nói thật. Ông không ngại “nhìn lại” mình trong vai trò người trả lời phỏng vấn: “Có những chuyện nói ra không có lợi, dễ gây phân tâm cho độc giả thì không nên nói. Phỏng vấn luôn buộc người trả lời phải bộc lộ mình rõ nhất và rất dễ buột miệng. Tôi có lần trả lời phỏng vấn báo An Ninh Thế Giới cuối tháng, khi đọc bản thảo anh em đưa, có chỗ muốn xóa mà không dám xóa (vì tự thấy xóa là hèn)”. Nhân nói đến chữ “hèn”, tôi đề nghị ông “luận” thêm về “cái hèn của nhà báo”, ông nói ngay: “Anh giữ cái tôi của anh mà không dám vượt qua sức ép để bảo vệ chân lý - không phải vì anh ngu dốt mà vì miếng cơm manh áo, vì cái ghế, vì cái danh, vì muốn yên thân... Cái hèn của giới trí thức, của nhà báo, nếu có thì kinh khủng lắm!”.

Không được làm việc mình thích thì thích việc mình làm

Tôi may mắn khi được nghe nhà báo Hữu Thọ kể chuyện ông đã phấn đấu trở thành nhà báo ra sao. “Không được làm việc mình thích thì phải thích việc mình làm”, từ một tự vệ chiến đấu khu 11 Hà Nội, hoạt động Đoàn thanh niên, cán bộ Ban tổ chức Tỉnh ủy, rồi vào bộ đội, là cán bộ tiếp quản thị xã Hải Dương... và trở thành nhà báo Hữu Thọ sau này, ông “tự thấy mình đã tìm ra một chân lý”: “Tôi được tiếng học Trường Bưởi, nhưng thực chất mới học đến năm thứ ba (chưa được lớp 7 bây giờ), 14 tuổi đã thoát ly đi kháng chiến. Thủ trưởng đầu tiên của tôi trong kháng chiến là phu khuân vác ở bến Phà Đen (Hà Nội) không biết chữ, chúng tôi phải kèm mãi ông mới biết ký tên. Trong khi cán bộ cơ sở thời ấy nhiều người không biết chữ thì lãnh tụ của chúng ta thời ấy đều là trí thức, đó là một thực tế. Và chúng tôi cũng được coi là trí thức, trong khi các thế hệ làm báo sau này hầu hết đều giắt lưng ít nhất một bằng đại học, khởi điểm học vấn đáng kể. Tôi có cảm giác thế hệ tôi tự học rất quyết liệt. Tôi, anh Hà Đăng, anh Phan Quang và nhiều nhà báo khác... cùng theo một lớp học ban đêm, ngày đi làm, hết giờ làm mới đi học. Thi cử nghiêm túc, có anh phải thi lại. Lịch sử báo chí thời ấy chưa đi đến một tổng kết nào, tài liệu nghiệp vụ cũng không có gì. Từ nhược điểm, sự không thuận lợi, chúng tôi đã biến nó thành quyết tâm học hỏi, không có sách thì chép sách ra vở để học, để đọc, để bồi bổ tri thức. Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi thấy những người trẻ xem học xong đại học coi như kết thúc sự học. Không dám nói là anh em bây giờ lười, song hình như có một sức ép quá lớn về công việc, không có thì giờ để làm gì khác. Ít người chịu dành thì giờ đọc tài liệu nghiên cứu, sách công cụ...”.

Những day dứt trong lòng

Đề cập đến định hướng thông tin báo chí mà nhà báo Hữu Thọ rất có kinh nghiệm, ông thừa nhận: Đúng là có những việc phải nói rõ với anh em báo chí là thông tin đúng nhưng vẫn yêu cầu anh em không nên làm sau khi đã cân nhắc lợi hại vì lợi ích chung. Còn việc ai đó lấy tư cách cá nhân gọi báo này báo nọ yêu cầu thông tin hay không thông tin một việc cụ thể, không phải là định hướng tuyên truyền, phải chỉ đích danh. Ông chia sẻ về những điều chưa hết day dứt trong lòng sau nhiều năm làm báo và “quan báo”: Đó là vụ anh Phạm Sĩ Chiến, khi đó là viện trưởng Viện KSND tỉnh, hai phóng viên báo Nhân Dân có bài điều tra về tiêu cực của anh, nếu tiếp tục đăng lên và xử lý thì chắc ông ta sẽ không lên được vị trí phó viện trưởng Viện KSND tối cao. Có người bảo tôi “tha” nhưng tôi có bắt được ai mà tha. Vị lãnh đạo tỉnh nói với tôi: “Một công nhân đi học luật, làm luật như anh Chiến là đáng quý” làm cho tôi động lòng. Tôi đã không đăng tiếp một số bài báo nhưng sau này phải viết sách công khai xin lỗi hai phóng viên (bài in trong cuốn Đèn đỏ, đèn xanh) khi anh Chiến bị xử trong vụ Năm Cam. Một việc khác, nhà báo Hoàng Linh (tổng biên tập báo Doanh Nghiệp, sau khi cho đăng bài điều tra về vụ mua bán tàu cao tốc tuần tra trên biển, bị khởi tố về tội làm lộ bí mật quốc gia và bị kết án tù đúng bằng số ngày bị giam giữ) phải hầu tòa. Trước đó, tôi với tư cách trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương đã ký công văn gửi Ban Bí thư và Ban Nội chính đề nghị không xử; nếu phải bắt thì cho tại ngoại... nhưng khi họp về việc đó tôi lại đang đi công tác, không bảo vệ được quan điểm của mình. Khi ra tòa, Hoàng Linh có nhắn: “Tôi cảm ơn các anh, nhưng các anh chưa ở tù ngày nào thì chưa biết!...”. Khi nghỉ hưu, tôi đã mang về nhà bản photo hai công văn của mình để làm kỷ niệm “tình bút mực”.

Tiễn đưa nhà báo Hữu Thọ

Sáng 14/8/2015, tại nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) đã diễn ra lễ tang nhà báo Hữu Thọ - nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương (nay là Ban Tuyên giáo trung ương), nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên trợ lý Tổng bí thư. Lễ tang được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao. Nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã đến viếng nhà báo Hữu Thọ và chia buồn cùng gia quyến. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi trong sổ tang: “Một trong những cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng VN”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Hữu Thọ, một nhà báo lớn, giàu nhiệt huyết, trung trực, trách nhiệm, sắc sảo, luôn nặng lòng với dân, với nước. Vĩnh biệt một con người, một nhân cách mà chúng tôi kính trọng”. Lúc 10g30, sau khi kết thúc lễ viếng, ban tổ chức lễ tang và gia quyến cử hành lễ truy điệu và tiễn đưa nhà báo Hữu Thọ về nơi an nghỉ. Nghi thức hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ. An táng tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội. V.V.Tuân

Theo Nhà báo Kim Hoa

tuoitre.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam