Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
02/05/2018 15:05

Người làm báo nặng lòng với đồng nghiệp, đồng đội

Nhà báo, nhà thơ Dương Đức Quảng là một trong số những phóng viên chiến trường xông xáo, nhiệt huyết những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ông là một nhà báo đã hơn 40 năm miệt mài với…chữ; một người đã sống và làm việc
Nhà báo, nhà thơ Dương Đức Quảng là một trong số những phóng viên chiến trường xông xáo, nhiệt huyết những năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ông là một nhà báo đã hơn 40 năm miệt mài với…chữ; một người đã sống và làm việc giữa hai thời kỳ của đất nước chiến tranh và hòa bình! Gắn bó với nghề báo, ông cho rằng, chính những tháng ngày bom đạn chiến tranh đã khiến ông yêu và đam mê nghề báo trong suốt cuộc đời, dẫu nay bầu trời không còn tiếng súng. Trước khi gặp nhà báo Dương Đức Quảng, tôi đã nghe một nữ nhà báo có tên tuổi chia sẻ sự ngưỡng mộ ông: “Nhà báo Dương Đức Quảng là một người hiếm có. Ông sẵn sàng từ chối chức tước và không màng danh lợi…”. Tìm hiểu nhiều hơn về ông, tôi biết nhiều điều về một nhà báo không thích ồn ã, lúc nào cũng chỉ muốn khuất mình giữa chốn đông người như điều ông đã gửi gắm vào bài thơ Khuất: “…Khuất sau lưng người khác/Dễ gì tìm được nhau/Khuất sau từng con chữ/Biết bao điều thẳm sâu…”.
    Nhà báo Dương Đức Quảng tại chiến trường Quảng Đà (1972)
Ông từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường khu V vào những năm chống Mỹ ác liệt. Năm 1966, đang học năm thứ tư ở Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chàng sinh viên Hà Nội Dương Đức Quảng và một số bạn học cùng lớp được Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) chọn về học lớp đào tạo phóng viên chiến trường, để rồi sau đó một năm, từ năm 1967 đến hết thời gian chống Mỹ, 8 năm liền làm phóng viên thường trú tại các chiến trường ác liệt nhất miền Bắc lúc bấy giờ là Quảng Bình, Vĩnh Linh, rồi đi B làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, đi hết cuộc chiến tranh, cho tới ngày Bắc Nam sum họp một nhà. Chiến tranh với nhiều nỗi mất mát. Với nhà báo Dương Đức Quảng ngoài điều đó thì có thêm một điều lạ kỳ nhất mà nghiệp phóng viên chiến trường mang đến cho ông, chính là một tổ ấm gia đình. Tại chiến trường miền Nam, ông đã gặp và yêu thương một phóng viên TTXVN. Sau giải phóng cả hai về Đà Nẵng và tổ chức cưới. Sau này, vào Nha Trang, ông bà có với nhau một con trai và lấy hai chữ đầu và cuối của Đà Nẵng, Nha Trang để đặt tên cho con mình là Đà Trang. Và hôm nay, cậu con trai mang tên Đà Trang đã nối nghiệp cha mẹ, trở thành một nhà báo có tên tuổi trong làng báo. Anh là nhà báo Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện Hà Nội của báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh. Nhắc đến một kỉ niệm làm báo ở chiến trưởng, nhà báo Dương Đức Quảng kể lại: Tôi là phóng viên viết bài đầu tiên về giải phóng thị xã Quảng Ngãi đêm 24 rạng ngày 25/3 năm 1975, khi theo chân bộ đội địa phương và mũi xung kích vào giải phóng thị xã Quảng Ngãi. Tôi cũng là phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã về Sơn Mỹ, nơi đã diễn ra cuộc thảm sát tàn khốc 504 dân thường của quân Mỹ để viết bài về mảnh đất đau thương này sau ngày giải phóng. Sau ngày kết thúc chiến tranh 30/4/1975, một người tìm đến tôi, cho biết: Anh quê Sơn Mỹ, dạy học ngoài miền Bắc. Sau vụ thảm sát Sơn Mỹ anh không hề có tin tức gì của gia đình, không biết mẹ anh còn sống hay đã mất. Ngay sau ngày giải phóng Quảng Ngãi, anh được đọc bài báo Về Sơn Mỹ giải phóng của tôi in trên báo Nhân Dân, trong đó tôi nhắc đến tên mẹ anh, anh mới biết mẹ anh còn sống. Anh cảm ơn tôi vì tôi là người đầu tiên thông báo cho anh tin vui đó sau bao nhiêu năm anh không nhận được tin tức của gia đình. Tôi thật vui và cảm động, hiểu rằng hạnh phúc của nhà báo chính là có những phút giây như thế.
  Nhà báo Dương Đức Quảng  (thứ 2 trái sang) cùng các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Khắc Phục, Thanh Quế, Trần Vũ Mai tại chiến trường Quảng Đà (1972) 
Nhớ lại những ngày làm báo thời chiến tranh ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, nhà báo Dương Đức Quảng luôn nhắc đến các đồng chí, đồng nghiệp đã ngã xuống trên vùng đất này. Ông là một trong những nhà báo đầu tiên trên chiến trường Quảng Ngãi trước đây tổ chức việc viết báo, quay phim, đưa câu chuyện về sự trở về của cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở thành một sự kiện truyền thông lớn nhất trong năm 2005. Sau chiến tranh ông công tác tại TTXVN, rồi chuyển  sang Văn phòng Chính phủ đảm nhiệm chức Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin báo chí, sau đó ông được mời về làm Trưởng ban Thông tin Truyền thông của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam và nay ông nghỉ ngơi để có thời gian vui vầy cùng vợ, các con, các cháu. Nhưng dù ở vị trí nào, ông vẫn làm báo, vẫn cùng đồng đội của mình đau đáu nỗi niềm kiếm tìm hài cốt những người đồng chí, đồng nghiệp đã hy sinh. Năm 2011, sau gần 40 năm day dứt và trăn trở, đồng chí, đồng nghiệp của ông ở Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng trước đây) đã đưa được hài cốt của 5 liệt sĩ, trong đó có hai liệt sĩ nhà báo ở cùng Thông tấn xã Giải phóng Quảng Đà với ông về nơi yên nghỉ cuối cùng. Nhà báo Dương Đức Quảng kể lại câu chuyện về đồng đội trong nghẹn ngào: “Hôm ấy là một ngày gần cuối tháng 5/1972, trong một hang đá trên núi Hòn Tàu, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Đà, nơi đặt điện đài đồng thời là chỗ ở của Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà chúng tôi, có một cuộc “liên hoan” nho nhỏ, chỉ là vài nắm mì chay với một chút cà phê loãng để tiễn một người xuống đồng bằng tham gia chiến dịch và một người ra Bắc chữa bệnh. Người xuống đồng bằng là tôi, Tổ trưởng Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà. Còn người ra Bắc chữa bệnh là anh Hoàng Quốc Thăng, điện báo viên, quê Hải Dương, vào chiến trường từ năm 1964, bị ốm đau, bệnh tật, sức khỏe kém, đang chờ ngày lên đường trở về hậu phương. Ngoài tôi và anh Thăng, Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà còn có anh Võ Công Thu, quê Quảng Nam, là điện báo viên. Đêm ấy, trước khi chia tay để tôi theo giao liên xuống đồng bằng, anh Thăng ôm chặt tôi dặn dò: “Chỉ còn vài ba ngày nữa tôi sẽ được ra Bắc. Ra đến Hà Nội thế nào tôi cũng đến thăm gia đình anh, chuyển quà của ông tới ông cụ thân sinh. Còn anh, xuống dưới đó nhớ cẩn thận và giữ gìn để sớm về với anh em…”. Món quà mà anh Thăng nói sẽ chuyển ngay tới bố tôi khi ra tới Hà Nội là một tấm vải dù của Mỹ tôi được một chiến sĩ Quân Giải phóng tặng sau một đợt tham gia chiến dịch, nay tôi nhờ anh Thăng mang ra Bắc tặng bố tôi, kèm theo bức thư tôi viết, báo tin tôi vẫn còn sống, gia đình yên tâm. Tôi cũng hiểu ý anh Thăng dặn dò phải cẩn thận và giữ gìn, vì trong những năm trước đó, mỗi năm thường có một hai nhà báo hy sinh trên mảnh đất này, còn từ đầu năm đến tháng 5/1972 chưa có nhà báo nào hy sinh! Tôi không ngờ, sau buổi chia tay đó, mãi mãi tôi không còn được gặp lại anh Hoàng Quốc Thăng, anh Võ Công Thu và một số đồng chí, đồng nghiệp khác”. Ông xúc động và bật khóc khi thấy lại tấm vải dù của mình gửi anh Hoàng Quốc Thăng, người bạn đồng nghiệp mang ra Bắc tặng gia đình, đã không ra được miền Bắc, mà phải nằm lại với anh Thăng trong hang đá sau trận bom rải thảm B52 của Mỹ xuống căn cứ Hòn Tàu đêm 22 rạng ngày 23/5/1972!
 Nhà báo Dương Đức Quảng bật khóc khi thấy lại tấm dù của mình gửi anh Hoàng Quốc Thăng mang ra Bắc nằm lại cùng liệt sĩ Thăng trong hang đá trên núi Hòn Tàu (Quảng nam) sau gần 40 năm.
Trải qua không ít những nỗi đau, nỗi mất mát trong chiến tranh, thời bình, lúc nào ông cũng đau đáu nghĩ đến những công việc tri ân, nhớ về đồng đội, đồng nghiệp một thời. Cầm trên tay cuốn sách “Tri ân Nhà báo – Liệt sỹ”, tôi đọc bài viết của ông đầy xúc động về hai nhà báo- liệt sỹ hy sinh tại chiến trường miền Nam là Phạm Vũ Bình và Vũ Phạm Chuân. Những trang viết mà ở đó không chỉ có những sự kiện sôi động của một thời đạn lửa mà còn thấy cả tấm lòng ông dành cho những đồng nghiệp, đồng chí đã nằm lại nơi chiến trường. Gắn bó với nghề báo suốt gần 45 năm, ông vẫn cho rằng, chính những tháng ngày bom đạn chiến tranh đã khiến ông yêu và đam mê nghề báo trong suốt cuộc đời, dẫu nay bầu trời không còn tiếng súng. Thế nên, hơn 70 tuổi, tôi vẫn thấy nhà báo Dương Đức Quảng miệt mài viết, miệt mài làm việc. Cách đây mấy năm khi đọc một bài báo viết về sự hy sinh của hơn 200 chiến sĩ Trung đoàn 207 Quân khu 8, phần lớn là bộ đội miền Bắc, sinh viên các trường đại học nhập ngũ vào chiến trường, ở ấp Đá Biên, Long An năm 1973, nhưng nay phần lớn vẫn chưa tìm được hài cốt và cũng chưa có nơi xứng đáng thờ phụng và tưởng niệm anh em, nhà báo Dương Đức Quảng rất xúc động. Ông đã đề xuất và được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam chấp thuận, ủng hộ tài trợ 5 tỷ đồng để xây Nhà bia ghi danh và tưởng niệm các liệt sĩ tại ấp Đá Biên. Và sau này, hầu như năm nào ông cố gắng trở lại nơi đây thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Có lẽ, những việc như thế làm dịu bớt nỗi đau trong lòng ông mỗi khi nghĩ tới các đồng chí, đồng nghiệp của mình đã hy sinh. “Soi vào mắt đồng đội/Để thấy mình hôm nay”! Ông đã viết như thế về đồng chí, đồng nghiệp và về chính mình trong cuộc sống hôm nay.

Nguồn: congluan.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam