Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
14/09/2018 13:54

Đỗ Đức Dục: Bản lĩnh của thế hệ trí thức vàng Việt Nam

Ngày 13/09/2018 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo – Triển lãm Kỷ niệm 25 năm ngày mất của Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục sinh năm 1915 tại làng
Ngày 13/09/2018 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo – Triển lãm Kỷ niệm 25 năm ngày mất của Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục sinh năm 1915 tại làng Xuân Tảo, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, mất năm 1993. Ông là một nhà trí thức lớn của dân tộc, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo duc, nhà báo, nhà luật học, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng,… Từ một trí thức có tư tưởng cấp tiến, Đỗ Đức Dục sớm đến với Cách mạng. Năm 1945, ông được cử vào Đoàn Đại biểu của Đảng Dân chủ đi dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào. Năm 1946, được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I, được giao trọng trách thuyết trình trước Quốc hội bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng trong thời gian này, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông đã cùng tổ chức lên chiến khu và tiếp tục đảm nhiệm các trọng trách: Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh; Ủy ban UBTW Mặt trận Liên Việt; Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam; Giám đốc Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng; Chủ nhiệm báo Độc Lập.

Hội thảo Kỷ niệm 25 năm ngày mất Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục.

Tại Hội thảo, GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng việc tích lũy tri thức một cách hệ thống và khoa học trong ngành nghiên cứu xã hội nhân văn khi đó thực sự chưa được coi trọng. Đỗ Đức Dục hẳn đã nhìn thấy điểm yếu đó và ông muốn xây dựng một nền khoa học xã hội nhân văn thực sự khoa học. Những bài báo của ông đã góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học xã hội ở miền Bắc trở nên sôi nổi.Ông cũng giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam suốt 10 năm từ 1955-1960. Năm 1957, với cương vị là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ông được giao nhiệm vụ cùng các nhà văn có tên tuổi thời đó đứng ra vận động và thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. “Cuộc đời của một con người cống hiến trọn đời mình cho Cách mạng, cho đất nước, cho sự phát triển của văn hóa và khoa học như Đỗ Đức Dục xứng đáng để các thế hệ chúng ta tôn vinh, học tập.” GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn khẳng định.

GS-TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo.

Đỗ Đức Dục đã làm trọn vai trò của một trí thức dân tộc trong thời đại Cách mạng. Ông theo đuổi tư tưởng Cách mạng dân tộc – dân chủ, đoàn kết mọi giai cấp nhằm mục tiêu trước nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập.Theo PGS-TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, hơn nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, có thể khẳng định Đỗ Đức Dục chính là hiện thân sinh động và đẹp đẽ của hình mẫu trí thức dấn thân không biết mệt mỏi trong thế kỷ XX đầy biến động. PGS-TS. Nguyễn Văn Huy (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) đã ca ngợi ông Đỗ Đức Dục là đại diện cho “bản lĩnh của thế hệ trí thức vàng Việt Nam” bởi ông là một trí thức lớn có bản lĩnh, dám dấn thân. Sự độc lập trong tư tưởng, dám nói lên chính kiến của mình ở Đỗ Đức Dục đã giúp cho chúng ta định nghĩa thế nào là Trí thức, và sẽ mãi mãi là tấm gương cho hậu thế. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đều có chung một nhận định, sau 50 năm cầm bút, Đỗ Đức Dục xứng đáng không chỉ với những danh hiệu cao quý ông đã được nhận như “Huân chương độc lập hạng Nhất”, Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, “Vì sự nghiệp văn hóa”, “Chiến sỹ văn hóa”, “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, mà ông còn thực sự là một trí thức bản lĩnh, một nhà văn hóa lớn. Theo Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhắc đến Đỗ Đức Dục, nếu chỉ nhắc đến vai trò là Nhà văn, Nhà báo, Nhà nghiên cứu,... thì chưa đủ, mà cao hơn nữa, ông là một Nhà Văn hóa. Trong sự nghiệp cầm bút, Đỗ Đức Dục đã có những cống hiến to lớn cho nền báo chí nói riêng và đất nước nói chung. Ở lĩnh vực nào ông cũng đã thể hiện xuất sắc và toàn diện. "Dưới ánh sáng của công cuộc Đổi mới, chúng ta nhìn lại cuộc đời đầy vinh quang của Đỗ Đức Dục và thực sự chúng ta rất tự hào. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,... đều đã lấy tên ông để đặt tên cho những con phố rất đẹp. Chúng ta đang có những nhìn nhận hết sức cần thiết về những cống hiến của Đỗ Đức Dục," Nhà báo Hồ Quang Lợi nói. Bên lề Hội thảo Kỷ niệm 25 năm ngày mất Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục, một triển lãm quy mô nhỏ đã được tổ chức. Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, bài báo của tác giả Đỗ Đức Dục và những tác phẩm văn học Pháp do ông là dịch giả dưới bút danh Trọng Đức.

Triển lãm những bài báo của Nhà báo Đỗ Đức Dục.

Theo Nhà báo Trần Thị Kim Thoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong lịch sử báo chí Việt Nam, Đỗ Đức Dục được biết đến trong cả 3 phương diện, người viết báo, người thầy và người quản lý. Do vậy, việc trưng bày những hiện vật, tư liệu này cũng chính là mong muốn của Bảo tàng Báo chí Việt Nam để tưởng nhớ Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục.

Nguồn: infonet.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam