Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
17/07/2018 16:21

Nhà báo Nguyễn Đắc Xuân: Người làm báo cần tâm, trí, tài, thực, dũng

Ông Nguyễn Đắc Xuân (sinh 1937 tại Thừa Thiên-Huế) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu về Huế nổi tiếng được biết đến nhiều qua thơ được phổ nhạc, các sách và công trình nghiên cứu về Huế... Ông từng được trao giải A, Giải
Ông Nguyễn Đắc Xuân (sinh 1937 tại Thừa Thiên-Huế) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu về Huế nổi tiếng được biết đến nhiều qua thơ được phổ nhạc, các sách và công trình nghiên cứu về Huế... Ông từng được trao giải A, Giải báo chí quốc gia năm 1997. Bảo tàng Báo chí Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn về cuộc đời làm báo của ông. Cuộc phỏng vấn do tác giả Huỳnh Thị Thu Ngà (Trung tâm Phần mềm Huế) thực hiện. Nhà báo Nguyễn Đắc Xuân và đoàn công tác của Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại tư gia của ông ở Huế. 1.Thưa ông, được biết ông xuất thân là một người làm thơ, vậy ông chuyển qua làm báo từ khi nào? Năm 1959, đang học lớp đệ Tam (bằng khoảng lớp 9, lớp 10 bây giờ), tôi đã có thơ in trên báo Rạng Đông của ông Lê Hữu Mục (sau nầy là thầy tôi ở Đại học Huế), tôi có thơ in chung với anh Hà Ly Hải (tập thơ Bướm Lạc Rừng Xuân). Sau đó tôi tiếp tục làm thơ cho mãi đến những năm gần đây. Tôi bắt đầu viết báo trong thời gian (1963) tham gia cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm. Tính đến năm 2013 nầy vừa tròn 50 năm. Khi tham gia tranh đấu thì phải đọc báo nhiều, nghe đài BBC, đài VOA để nắm tin tức, đồng thời cuộc tranh đấu cũng đặt ra yêu cầu phải viết bài mới đưa được thông tin đến dân chúng. Chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung, qua năm 1964 tôi đứng ra làm tờ Nguyệt san Nhận Thức, khuôn khổ giống như Tạp chí Sông Hương bây giờ. Nhận Thức ra được ba số thì ngừng vì cuộc đấu tranh chống Quân phiệt Nguyễn Khánh nổ ra. Tuy ngày đó là sinh viên năm 2, năm 3 nhưng tôi được sự cộng tác, giúp đỡ từ nhiều giáo sư, người nổi tiếng ở miền Nam. Đặc biệt là ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, con của nhà văn Nguyễn Văn Tố ở Hà Nội, là cây bút viết hay nhất của một tờ Tự Do thời Ngô Đình Diệm. Sau ông làm tờ Ngày Nay. Ông biết tôi là một cây viết trong lực lượng sinh viên tranh đấu tích cực nên ông mời tôi vào Sài Gòn học làm báo với ông. Nguyệt san Nhận Thức bị Nha Thông tin kiểm duyệt, giống như một quyển sách vậy. Còn báo lúc đó chỉ do ông Chủ nhiệm chịu trách nhiệm như báo Ngày Nay chẳng hạn. Từ năm 1963 đến 1966 nhiều cuộc đấu tranh đô thị diễn ra, tôi đã tham gia viết cho các báo của phong trào đô thị như các tờ Tranh Đấu, Lực Lượng, Sứ Mệnh, Dân Tộc… Các tờ này đều có lượng phát hành khá lớn. Đến đầu năm 1966, tôi và Tiến sĩ Lê Văn Hảo từ Pháp mới về bắt chước tạp chí đối ngoại ÉTUDES VIETNA MIENNES của BS Nguyễn Khắc Viện ở miền Bắc lập nên tờ Nghiên Cứu Việt Nam đăng tải những nghiên cứu văn hóa lịch sử dân tộc rất được trí thức quan tâm. Trong đó có cả bài của GS Trần Văn Khê từ Pháp gởi về. Nhưng rồi Nghiên Cứu Việt Nam cũng dừng bước vì TS Lê Văn Hảo và tôi tham gia đấu tranh vận động hòa bình mùa hè năm 1966 bị đàn áp dữ dội, TS Lê Văn Hảo chạy vào Nam, tôi thoát ly theo kháng chiến, tôi tiếp tục viết báo, làm thơ, viết văn phục vụ kháng chiến. Lúc đầu làm báo Cờ Giải Phóng của Mặt trận Giải phóng, sau năm 1968 Mặt trận Liên Minh cho ra đời tờ Cứu Lấy Quê Hương do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phụ trách. Tôi chủ yếu làm tờ Cờ Giải Phóng, đôi khi phải làm những tờ báo nhỏ bằng bàn tay để cán bộ có thể đọc được khi phải trú ẩn nhiều ngày dưới hầm bí mật. Sau ngày thống nhất đất nước, từ rừng núi chiến khu về tôi vẫn làm việc ở Ban Tuyên huấn (đã đổi thành Ban Tuyên giáo) tiếp tục viết báo nhưng không chuyên. Năm 1983 ra đời tạp chí Sông Hương tôi được mời vào Ban biên tập (chuyên về văn hóa Huế). Đến năm 1988, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Thành phố Huế, Hội cho ra đời Tập san Huế đăng sáng tác thơ văn và giới thiệu Văn hóa Huế. Một năm sau xảy ra sự kiện chia tỉnh Bình Trị Thiên, Hội Văn Nghệ TP Huế sáp nhập vào Hội Văn nghệ Tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi được phân công làm Phó Tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương, nhà văn Nguyễn Khắc Phê làm Tổng biên tập. Làm được một thời gian tôi bị buộc rời khỏi Tạp chí Sông Hương vì nhiều bài in tạp chí có quan điểm khác với lãnh đạo lúc đó. Một trong những bài báo bị phản ứng nặng nhất là bài phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Siêu trú trì chùa Từ Đàm. Bài phỏng vấn nhấn mạnh đến vai trò của Phật giáo đối với xã hội và muốn tạo điều kiện để Hòa thượng Thiện Siêu phục vụ xã hội. Tôi bị phê phán là đã tạo điều kiện để Phật giáo phê bình chính quyền. Nhưng không ngờ, sau đó lãnh đạo TTH lại mời HT Thiện Siêu ra làm đại biểu Quốc hội. Tôi được ngồi chơi xơi nước ở Hội Văn nghệ được mấy hôm, bất ngờ tôi được mời làm báo Lao Động của Tổng Liên đoàn lao động VN, và bắt đầu thời kỳ làm báo sôi động nhất đời cầm bút của tôi. Lúc đầu làm Phóng viên ở Huế sau thành lập Văn phòng đại diện miền Trung và Tây nguyên, tôi và nhà văn Vĩnh Quyền phụ trách cho đến ngày tôi về hưu 15-7-1998. 2. Làm báo là một nghề, vậy ông có được đào tạo nghề làm báo không, thưa ông? Thú thực khi bắt đầu làm báo Nhận Thức, tôi làm theo hứng khởi của phong trào đấu tranh lúc ấy. Khi tôi vào Sài Gòn học với ông Hiếu Chân mới gọi là chính thức được đào tạo nghề báo theo phong cách báo chí tư bản, tức là viết cái gì mà người ta muốn đọc chứ không viết những gì mà mình muốn người ta đọc, thì người ta sẽ không đọc, sẽ không mua báo. Tuy nhiên cần nhận thức được cái độc giả muốn đọc là cái có lợi cho xã hội, cho con người chứ không chỉ đơn thuần khai thác ý muốn của bạn đọc vô bổ, đôi khi nguy hại cho xã hội. Buổi đầu tôi đã được Sài Gòn truyền dạy cho những điều cơ bản như vậy. Sau đó tôi còn được học với nhiều bậc thầy khác nữa và tôi cũng đã thu nhận được nhiều trải nghiệm qua thực tiễn nghề báo. 3. Thưa ông, được biết khi vào học nghề với ông Hiếu Chân thì ông vẫn đang là sinh viên, tức là ông vừa làm vừa học. Vậy thì ông học thêm vào giai đoạn nào và những ông thầy nào ông nhớ nhất? Tôi học nhiều giai đoạn, mở đầu là với ông Hiếu Chân, sau có học ông Hồ Hữu Tường, nhưng người dạy và ảnh hưởng đến giờ là ông Phạm Bá Nguyên. Ông Nguyên là con trai ông Phạm Bá Phổ - một quan lớn từng đứng đầu nhiều tỉnh ở miền Trung. Thời ông đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi, ông bảo lãnh cho nữ tù nhân là bà Nguyễn Thị Thanh – chị của Bác Hồ sau nầy, về làm gia sư cho con trai mình là Phạm Bá Nguyên. Do đó tính tình, tư tưởng chống Pháp của ông Phạm Bá Nguyên chịu ảnh hưởng của bà Thanh. Từ trước đến nay nhiều người hỏi tôi về nhà báo ở Huế tôi chỉ nói tới ông Phạm Bá Nguyên mà thôi. Hồi xưa ông là nhà báo số một ở Huế. Giai đoạn tôi làm báo Lao Động là giai đoạn tay nghề vững vàng nhất vì tôi được hoạt động trong môi trường báo chí chuyên nghiệp. Ban biên tập báo Lao Động ở Sài Gòn, cùng thế hệ với tôi nhưng trước 1975 họ làm báo đối lập ở Sài Gòn. Những con người đó rất xuất sắc, có uy tín, tuy có người nhỏ tuổi hơn tôi nhưng trong nghề báo họ xứng đáng làm đàn anh của tôi. Đó là các anh Tống Văn Công, Lý Quý Chung, Trần Ngọc Thức. Cũng có thời tôi hay đi giảng, trao đổi kinh nghiệm trong các lớp báo chí. Và muốn cập nhật nghề nghiệp của mình tôi đọc thêm nhiều sách báo nước ngoài, nhất là của Pháp. Sau ngày về hưu (7-1998) tôi chuyên nghiên cứu lịch sử văn hóa nhưng vẫn viết báo, vẫn học hỏi cho đến bây giờ. 4. Thưa ông, với tư cách là một nhà báo lão thành, trải qua nhiều năm làm việc với nhiều tờ báo khác nhau, cũng như đi tới nhiều vùng đất và viết nhiều bài báo có giá trị, vậy theo ông cái căn bản nhất của nghề báo và người làm báo là gì? Cho đến giờ tôi vẫn nhớ cái căn bản nhất của người làm báo và nghề làm báo mà ông Phạm Bá Nguyên đã dạy cho tôi gồm 4T và 1D. Chữ T thứ nhất là chữ Tâm. Chữ này quan trọng hàng đầu bởi vì ngòi bút của nhà báo có thể giết một con người, cho nên người làm báo trước nhất phải thương người, trọng con người, tôn trọng cuộc sống và có chính nghĩa. Chữ T thứ hai là chữ Trí. Người phải có trí mới thấy được vấn đề mình phải viết là vấn đề gì hấp dẫn. Muốn thấy được vấn đề đầu óc phải nhạy bén, thấy được kẽ hở, độ chênh hàm chứa trong vấn đề đang diễn ra hay tồn tại đã lâu. Phải có trí mới lấy được tài liệu, thông tin để viết. Vì mục đích phục vụ cho dân nhiều khi phải sử dụng đến thủ đoạn. Chữ T thứ ba là chữ Tài tức là phải đúng nhưng viết làm sao cho hay, hấp dẫn và biểu đạt gãy gọn nhưng đầy đủ. Viết mà không hay thì dù có tâm có trí cũng kén người đọc. Có những người có cả tâm lẫn trí, nhưng để thành công cần chữ T thứ ba là Tài, tức là làm sao lấy được cái tinh túy, cơ bản nhất của tin, bài để viết theo yêu cầu, khi báo cho 500 chữ thì viết đúng 500 chữ, yêu cầu 1000 chữ thì viết đúng 1000 chữ. Chữ T thứ tư chính là chữ Thực - một chữ rất quan trọng với nhà báo, dù viết hay nhưng không trung thực thì sẽ gây hậu quả và có xin lỗi cũng vô ích. Tâm - Trí – Tài nhiều người có nhưng có người sẽ không làm được vì sợ đụng chạm chính quyền, bọn có tiền có thế lực, hay bọn du đãng, xã hội đen... Bởi vậy nhà báo cần thêm chữ Dũng, với ý nghĩ viết ra là cứu giúp con người, giúp xã hội, giúp đất nước, viết ra là khiến xã hội đẹp đẽ lên thì phải sẵn sàng chấp nhận hi sinh, không lo sợ bất cứ điều gì. Một người viết báo có đủ 4 chữ T và 1 chữ D nêu trên thì mới được xem là NHÀ BÁO. 5. Qua những gì ông giới thiệu, có thể thấy ông đã có một cuộc đời làm báo sôi nổi từ thời sinh viên, thời kháng chiến cho đến thời bình, vậy ông có thể chia sẻ cụ thể ông đã làm những báo gì và cộng tác cùng những báo nào không, thưa ông? Về điều này tôi đã làm một danh sách thống kê chứ kể ra đây cũng khó nhớ hết. Thời sinh viên tranh đấu và kháng chiến, tôi làm chính thức ở ba tờ Nhận Thức, Ngày Nay và Cờ Giải Phóng. Từ chiến khu trở về Huế thì tôi làm cho Tạp chí Sông Hương và báo Lao Động. Ngoài ra tôi cũng cộng tác với hàng trăm tờ báo trong và ngoài nước. Tờ báo để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều niềm tự hào và vui vẻ nhất là tờ Kiến thức ngày nay. Trong vòng 2, 3 mươi năm tôi đã có gần 100 bài đăng trên Kiến thức ngày nay và có thể in thành một cuốn sách dày. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với tờ Lịch sử Quân sự Việt Nam của Bộ Quốc phòng vì trên báo này có nhiều bài viết của tôi mà báo khác không dám đăng. Đối với tờ Văn hóa Phật giáo, tuy tôi đăng ít bài nhưng cũng rất quý. Tôi cũng cộng tác cho các báo và tạp chí từ Hà Nội, Sài Gòn đến Paris, có chỗ cộng tác thường xuyên, chỗ ít cũng 3-5 bài. Buổi đầu tôi không thuộc biên chế tạp chí Sông Hương nhưng như tôi nói trên tôi vinh dự được đứng trong Ban biên tập, cũng là một trong những người đầu tiên góp phần cho ra số báo Sông Hương đầu tiên – Một tờ tạp chí góp phần làm khởi sắc văn hóa Huế sau năm 1975. Có thể nói tôi là một trong những người đầu tiên viết về văn hóa Huế. Còn tờ báo tôi làm chính thức là Lao Động, nơi tôi có nhiều kỷ niệm cầm bút nhất, cũng là thời uy tín cầm bút của tôi sáng giá nhất. Ngày về hưu tôi có nói với ông TBT Phạm Huy Hoàng rằng: Sau này qua đời tôi có nguyện vọng được để tờ báo Lao Động lên quan tài của tôi. Những năm 1993 – 1996 là thời kỳ huy hoàng nhất của báo Lao Động. Rất tiếc sau đó tờ báo này không còn được độc giả tín nhiệm như trước nữa. 6. Thưa ông, ông cho rằng trong nghề báo, muốn thành công phải có ngón nghề, vậy trong cuộc đời làm báo của mình, ông đã sử dụng những ngón nghề như thế nào? Có thể khi nói tới ngón nghề, nhiều người nghĩ tới cái xấu hơn là cái tốt. Thực sự khi mình có mục đích tốt, muốn khai thác được thông tin để phục vụ cái tốt thì buộc lòng mình phải sử dụng thủ đoạn thôi. Như xã hội vẫn nhức nhối vụ một nhà báo trẻ giả đò hối lộ cho CSGT nhưng không thành công và vướng vào vòng lao lý. Tôi thì đã nhiều lần dùng tới thủ thuật để lấy thông tin. Tôi còn nhớ chuyện giành lại khu đất xây dựng Nhà Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế. Ngày đó (khoảng 1995) lãnh đạo TTH bán khu đất Nhà Bảo tàng Chủ tịch HCM tại 7 Lê Lợi Huế và Phòng thuế vụ TP Huế bên bờ nam sông Hương cho Công-ty xi-măng Lucvaxi để làm Nhà Nghỉ (Guest house) cho Công-ty. Qua Nhóm tư vấn của báo Lao Động tôi biết Công-ty đó ở Hong Kong nhưng thực ra là của Trung Quốc. Nhưng các lãnh đạo lúc đó là ông PBD, ông VT đã qua Hồng Kông ký nhượng cho họ rồi. Và họ cũng đã làm lễ đặt đá xây dựng rồi. Các văn bản nhượng đất, chủ trương xây dựng Nhà Nghỉ chỉ có lãnh đạo và Lucvaxi nắm giữ, tài liệu thông tin có liên quan bị bưng bít rất kỹ, tôi là một nhà báo làm sao có được? Vì vậy tôi phải dùng tới thủ thuật, bằng cách bàn bạc với anh em trong Ban biên tập cho tôi đăng trên báo Lao Động một tin thiếu chính xác. Cái tin bị lãnh đạo Thừa Thiên Huế và Lucvaxi phản ứng dữ dội. Tôi đồng ý viết lại nhưng yêu cầu phía Lucvaxi cung cấp cho tôi tài liệu chính thức thì tôi mới viết xin lỗi và đính chính được. Ông Phó Gđ Công-ty tiếp tôi và cho tôi xem các văn bản ký kết chính thức giữa hai bên. Tôi viết lại bản tin. Nhiều tổ chức đồng hương ở Hà Nội, TP HCM ủng hộ phía bên kia, tưởng chừng như tôi đã thất bại. Nhưng với tập bản sao hồ sơ trong tay và bắt đầu viết bài đấu tranh. Cuộc đấu tranh đơn độc ấy may mắn gặp được Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông họp Chính phủ ở Đà Nẵng. Thủ tướng nghe tôi trình bày xong ông thốt lên: “May quá tôi chưa ký”. Thủ tướng viết cho Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Ngô Xuân Lộc bảo hủy bỏ việc tỉnh TTH nhượng đất Nhà bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Lucvaxi làm Nhà nghỉ. Nhờ thế mà sau đó Nhà Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng lại trên đất cũ nguy nga như ngày nay. Như vậy tài liệu thông tin báo chí được giữ bí mật cũng giống chuột nó nằm trong hang, muốn bắt chuột thì phải có mồi nhử nó ra mới bắt được. 7. Ông đã từng làm việc và cộng tác với nhiều tờ báo, vậy ông có thể chia sẻ ông thích tờ báo nào nhất và ngược lại không thưa ông? Báo đầu tiên tôi thích và cộng tác làm phóng viên là báo Ngày Nay (năm 1964). Tờ thứ hai là tạp chí Sông Hương, do anh Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập, cũng là tờ báo đầu tiên cổ vũ cho văn hóa Huế và có thể nói văn hóa Huế phục hưng từ tờ báo này. Thứ ba là tờ Lao Động, một tờ báo để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhiều thành công nhất định nhưng cũng chính Lao Động đem lại cho tôi những kỷ niệm đau xót. Tôi nhớ chuyện một tỉnh miền Nam Trung Bộ có rất nhiều yến sào, nếu tính giá thị trường thì khoảng 1000 USD/kg yến thường và 2000-2500 USD yến huyết, rất giá trị, nhưng lãnh đạo ở đó bán cho một ông chủ khai thác trong vòng 10 năm với giá yến thô có 800 USD. Việc này gây thiệt hại gấp đôi cho địa phương và tôi có đủ hồ sơ để chứng minh. Một anh cộng tác với tôi ở địa phương đó mà tôi không tiện nói tên cùng hỗ trợ tôi viết bài với đầy đủ chứng cứ. Bài gửi ra Hà Nội và được hoan nghinh. Cứ nghĩ sáng mai giở báo ra là sẽ thấy bài. Không ngờ bài tôi viết không được đăng do chiều hôm trước đó những người liên quan ở miền Trung ra Hà Nội gặp người phụ trách Trang Kinh tế là anh N. Không rõ anh N có nhận quà cáp gì không mà anh đã rút bài Yến sào của tôi xuống. Không lâu sau đó tôi về hưu mang theo kỷ niệm bẽ bàng. 8. Báo chí có nhiều thể loại, và bản thân ông cũng đã viết nhiều thể loại, nhưng ông thích thể loại nào nhất và có bỏ công sức để theo đuổi một thể loại nào không thưa ông? Tôi thích thể loại bút ký - phóng sự - tư liệu và tôi cũng đã có nhiều bài viết thuộc thể loại này với nhiều đề tài hấp dẫn. Tuy nhiên tôi thích nhất là những bài phản biện và đưa ra những ý tưởng mới. 9. Thưa ông, trên www.gactholoc.com ông cho biết ông đã từng có một bài báo giành giải A toàn quốc, vậy ông có thể nói cụ thể về bài báo này không? Đó là bài “Chuyện ở địa đạo Khe Trái”. Sự tích câu chuyện như thế nầy: Để chuẩn bị cho chiến dịch tết Mậu Thân 1968, Thành ủy Huế cho đào địa đạo xuyên núi ở Khe Trái thuộc vùng núi huyện Hương Trà để các vị trí thức trong Mặt trận Liên minh Huế lên ở, và có thể đón Bác Hồ vào ở nữa. Tôi với anh Hoàng Phủ Ngọc Tường thuộc Mặt trận Liên Minh đã từng ở đó nên biết rất rõ về địa đạo này. Đó là một công trình vĩ đại mà lại đào rất bí mật. Một lưỡi cuốc dài hai tấc, đến khi đào xong lưỡi cuốc mòn chỉ còn hai phân. Địa đạo Khe Trái đóng một vai trò quan trọng trong Chiến dịch Tết Mậu thân 1968. Những năm 1995 -1996, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định phục hồi địa đạo lịch sử nầy để công nhận là Di tích quốc gia và khai thác du lịch. Bảo tàng lịch sử mời các vị lãnh đạo cũ ở Huế tổ chức hội nghị lấy thông tin. Căn cứ vào những thông tin thu thập được Bảo tàng Lịch sử TTH đi tìm nhưng không tìm được. Thay vì địa đạo thật, họ đã khoét một cái hang ở triền một hòn núi, tạo dựng cửa hầm, làm đường lên địa đạo, rồi trình Bộ trưởng Trần Hoàn công nhận là di tích Lịch sử Quốc gia. Buổi lễ công nhận được tổ chức hết sức long trọng. Khi đó tôi mới đi Pháp về (cuối năm 1996) thì được cán bộ hưu trí ở Hương Trà vào báo cho biết. Phóng viên Lâm Chí Công của báo Lao Động ở Huế viết một bài ngắn “Tiền Nhà nước đâu phải là vỏ hến”. Bài báo bị phản ứng dữ dội. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy TTH – do ông Nguyễn Xuân Lý làm Trưởng ban tổ chức ngay một hội nghị yêu cầu tôi giải trình vì sao báo Lao Động dám làm xấu mặt tỉnh TTH như thế. Hội nghị có mặt hầu hết các vị lãnh đạo chủ chốt hồi kháng chiến chống Mỹ như các ông Nguyễn Vạn - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, ông Bảy Khiêm – phụ trách Công An khu Trị Thiên sau ngày Thống nhất làm Giám đốc Công An TTH, ông Hường Thọ - nguyên Huyện ủy huyện Hương Trà thời kháng chiến và hàng chục vị lãnh đạo hồi kháng chiến khác).v.v. Đại diện Bộ Văn hóa Thông tin có ông Đặng Văn Bài (người đã thực hiện việc công nhận địa đạo dỏm là di tích quốc gia). Hội nghị lên án bài báo rất nặng nề, các vị bảo tôi là người trưởng thành ở đây mà lại đi viết bài bêu xấu cái tỉnh này. Tôi thấy các vị lên án dữ dằn quá, tôi không dám phản biện chỉ đi chụp ảnh và thu âm từng người phát biểu thôi. Nhưng các vị buộc tôi phải phát biểu nhận sai lầm và xin lỗi. Tôi có sai gì đâu mà xin lỗi. Không thể không phát biểu nên tôi đứng dậy: “Thưa Hội nghị: “Tôi được mời đến hội nghị để nghe các lão thành cách mạng góp ý kiến bài báo. Tôi không có ý định phát biểu ở đây, vì tất cả những gì các vị phát biểu tôi đã ghi âm đầy đủ và tôi sẽ trả lời trên báo Lao Động ngày mai. Nhưng hội nghị buộc tôi phải phát biểu ở đây thì tôi có mấy ý kiến sau đây: - Vụ xây dựng địa đạo Khe Trái dỏm nầy có khả năng đưa đến ba người phải vào tù: Một là các anh mời các vị lão thành cách mạng cung cấp thông tin về địa đạo Khe Trái nhưng không có ai đã từng ở trong địa đạo đó cả. Địa đạo Khe Trái dành riêng cho Mặt trận Liên Minh ở, các vị không phải là Liên Minh không được vào đó. Người theo dõi việc đào địa đạo và quản lý địa đạo trong thời gian các vị Liên Minh ở đó là ông Phan Thanh Pha – hiện còn mạnh khỏe ở gần đây các anh không hỏi. Tôi từng phụ trách tổ Nghiên cứu Lịch sử Đảng TP Huế, viết sách lịch sử cho Thành phố Huế và là Ủy viên Thanh niên của Mặt trận Liên Minh từng ở và làm việc với các vị Liên Minh trong địa đạo Khe Trái cũng chưa bao giờ được các vị hỏi. Các anh đã tạo một bộ hồ sơ giả để lừa Đảng, lừa nhân dân, phải vào tù; Hai là các anh dùng tiền nhà nước đào một cái địa đạo dỏm dùng tiền như dùng vỏ hến cũng vào tù; Ba là người cấp giấy chứng nhận Địa đạo Khe Trái là Di tích quốc gia không kiểm tra kỹ làm mất uy tín Cách mạng cũng bị liên đới, có thể vào tù. Sau khi nghe tôi phát biểu, ông Nguyễn Xuân Lý – TV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo chủ trì hội nghị kết thúc hội nghị: “Vậy thì hôm nay chưa thể kết luận được gì về địa đạo Khe Trái. Sẽ tiếp tục sau”. Ông Nguyễn Văn Mễ - Chủ tịch UBND tỉnh TTH đi công tác xa về nghe báo cáo những rắc rối ở Di tích Địa đạo Khe Trái cho người mời tôi lên Tỉnh gặp. Tôi và Lâm Chí Công cùng lên gặp. Ông Mễ hỏi: “Anh nói ba người liên quan đến việc xây dựng Di tích địa đạo Khe Trái đi tù là sao?” Tôi nhắc lại những gì tôi đã phát biểu hôm trước. Ông Mễ thấy không thể bảo vệ những việc làm dỏm của Bảo tàng Lịch sử TTH nên đã quyết định tổ chức đi tìm cho ra sự thật. Và đã tìm được địa đạo thật. Cuộc phản biện của tôi thành công, tôi viết bài “Gió lại reo giữa lòng địa đạo”. Trong bài viết tôi không hề đề cập đến những người đã nhân danh lão thành bức bách tôi phải xin lỗi. Nhiều người hỏi tại sao tôi không nhắc lại chuyện ấy? Tôi nghĩ rằng các vị đó từng lãnh đạo trực tiếp hay gián tiếp tôi, các vị đều đã già rồi, nếu mình nhắc lại chuyện sai lầm của các vị, các vị ân hận căng thẳng đầu óc đứt mạch máu chết thì mình là người có công trở thành người mang tội nên tôi chỉ mừng đã tìm được một di tích lịch sử quý và không nhắc gì đến chuyện “đấu tố” đó nữa. Bài báo của tôi được Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc năm 1997 khen hai điều: Một là góp phần phát hiện được một di tích lịch sử quý giá, hai là có cái tâm không đẩy người khác vào chỗ được thua. Nhờ bài báo đó mà lần đầu tiên báo Lao Động có một Giải A Quốc gia. Các thành viên tạo nên địa đạo dỏm của Bảo tàng lịch sử TTH đã được đi bóc lịch một thời gian. Tuy nhiên, trong cuộc đời cầm bút tôi xem niềm vui mà độc giả mang lại cho tôi mới chính là giải thưởng báo chí dành cho tôi. Độc giả của tôi thuộc nhiều tầng lớp từ người thợ sửa xe Honda cho tới chị bán bún gánh, từ những trí thức ở đô thị cho đến các bậc hưu trí ở vùng sâu vùng xa. Trong cuộc sống hiện nay có biết bao người có giải thưởng, nhưng hôm nay người ta có thể là anh hùng thưởng cho mình, rồi biết đâu ngày mai họ bị một lỗi gì đó phải đi tù, thì cái giải thưởng họ từng trao cho mình trở thành chuyện khôi hài. Những gì độc giả thưởng cho tôi mới thật là Giải thưởng vĩnh cửu. 10. Thưa ông, nhân đây ông có thể kể ra một vài kỷ niệm với độc giả của ông không? Có nhiều độc giả đã yêu mến tôi và có động thái tích cực sau mỗi bài báo tôi viết. Ví dụ tôi có bài về 32 tấm bia tiến sĩ triều Nguyễn tại Văn Miếu, đại diện cho trí tuệ của dân tộc thế kỷ 18 nhưng không ai quan tâm chăm sóc gì cả. Một người Việt kiều Pháp đã đọc được bài “Nỗi buồn bia đá” của tôi và chính họ đứng ra vận động quyên góp tiền để sửa lại. Bây giờ Văn Miếu được trùng tu đẹp đẽ như vậy là nhờ độc giả đã tìm thấy sự đồng cảm trong bài báo tôi viết. Hình ảnh họ về thăm quan lúc Văn Miếu đang điêu tàn tôi vẫn còn lưu giữ, như một kỷ niệm sâu sắc trong đời làm báo. Cũng có vô số những chuyện nhỏ nhưng nó thể hiện tình cảm của độc giả dành cho tôi. Như chuyện mỗi lần vô Sài Gòn, tôi phải đi sửa mấy xe Honda cho các con, và có một tiệm sửa xe ở đường Trần Quang Khải luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho tôi vì là sửa xe cho nhà báo Nguyễn Đắc Xuân nên họ không lấy tiền. 11. Như ông nói người làm báo phải can đảm và dũng cảm, vậy trong đời làm báo, ông đã thể hiện cái dũng như thế nào, thưa ông? Trong đời làm báo, tôi may mắn có được nhiều cơ hội để thể hiện điều này, hay nói chính xác hơn là có cơ hội làm những điều nên làm. Chuyện xảy ra ở Quảng Bình là một trong những dịp đáng nhớ đối với tôi. Năm đó có vụ lụt rất to ở xã Trường Sơn, dọc dòng sông Long Đại, người ta phải đi đò để cứu nạn. Cả nước xôn xao hướng về xã Trường Sơn này. Tôi cũng xin ra đó để lấy tin tức nhưng cả cơ quan bảo nước dữ thế tôi không thể đi được. Nhưng tôi quả quyết đi được, bởi các vị ấy không biết tôi đã từng đi kháng chiến tới 9 năm, trèo đèo lội suối không biết bao nhiêu lần nên chuyện vượt sông Long Đại mùa lũ không khó đối với tôi . Khi tôi tới xã Trường Sơn, dân ở đó ai nấy đều kinh ngạc vì họ không thể tưởng tượng được tôi đã vượt qua dòng sông Long Đại hung dữ bằng cách nào. Tôi đã buộc dây, bám đá và cứ men theo dòng sông như thế. Tới nơi tôi lại lội bùn ngập mắt cá trong nhà dân để lấy thông tin. Cán bộ Bộ đội biên phòng trông tôi tội quá họ rất thương và nấu nướng cho ăn đàng hoàng, dù là bữa cơm ngày lụt. Xong xuôi tôi lại xuôi theo sông ra cầu Long Đại đón xe vào Huế, ra mắt bài “Tiếng kêu cứu từ thượng nguồn sông Long Đại”. Dù vất vả, nguy hiểm nhưng tôi vẫn quyết đi để giúp dân Trường Sơn đưa tiếng kêu cứu của họ tới người dân cả nước. Khi việc mình làm có thể giúp đỡ được bao nhiêu người thì tôi không ngại. 12. Khi gặp những trở ngại trong đời làm báo thì ông xử lý như thế nào, thưa ông? Tôi quan niệm khi ta làm một việc xấu, vì cá nhân mà viết bậy thì sẽ cắn rứt lương tâm. Còn tôi làm bất cứ việc gì cũng chính đại quang minh, dù cho người ta hiểu hay chưa thì tâm tôi vẫn bình thản. Có một cái là khi có cái tốt thì cũng đừng ngạc nhiên như thấy cái xấu. Trước những trở ngại đó tôi luôn bình thản, không rối rắm gì hết. Cũng như khi ở rừng, giữa bom đạn thì vẫn bình tĩnh. Chiến tranh đã rèn luyện cho tôi tính cách như vậy để đối phó với mọi việc. Quan trọng là con người có cái tâm tốt thì sẽ thấy bình thản. Khi có tâm thì dù có trở ngại, thất bại ta vẫn thấy bình thản. Như khi tôi viết công trình lăng mộ vua Quang Trung, ông Trần Viết Điền tìm đủ cách chứng minh sự việc ở hướng khác là lăng Ba Vành nhưng cuối cùng không vượt qua được lý lẽ của tôi. Sau cùng tôi cũng không lấy đó làm giận, gặp nhau vẫn vui vẻ đàng hoàng vì mình không làm gì xấu để phải sợ cả. 13. Thưa ông, được biết ông có thời gian làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương và một thời gian làm Trưởng Văn phòng báo Lao Động ở miền Trung – Tây Nguyên, ông thường nhắc nhở những phóng viên, nhà báo dưới quyền mình những gì? Tôi nhắc nhở các bạn muốn làm kinh tế thì nghỉ viết đi làm kinh tế hay làm gì đó cho có tiền. Còn làm báo thì phải xác định sống bằng nhuận bút, phải trung thực chứ không được sống với những gì ngoài nhuận bút. Kinh nghiệm làm báo của tôi cho thấy giới làm báo thường sống ngoài nhuận bút nhiều hơn. Ví dụ, nếu viết bài họ được khoảng 3 – 4 trăm ngàn nhưng có khi không viết bài đó họ có thể có tới 3- 4 triệu. Như vậy chính họ đang hủy hoại nghề nghiệp của mình. Tôi thì luôn khuyên đồng nghiệp phải rèn luyện ngòi bút để sống tốt bằng nhuận bút. Ngày xưa theo quy chế cũ là tôi tuyển phái viên các vùng chứ không phải là phóng viên. Phái viên thường làm việc trong một cơ quan Nhà nước, cụ thể từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và bốn tỉnh Tây Nguyên. Như có người làm báo Lâm Đồng cộng tác với báo Lao Động hay nhiều người nghỉ hưu cũng về cộng tác với báo. Bây giờ các bạn không đủ tư liệu về một địa phương nào đó, tôi sẵn sàng cung cấp. Nhưng các bạn phải tìm hiểu, sưu tập tư liệu, kiến thức về địa phương để sau này khi lớn tuổi, có bề dày kinh nghiệm và có kiến thức, các bạn có thể trở thành nhà văn hóa của địa phương đó chứ không chỉ là một nhà báo về hưu. Có ai mà đi vào từng ngõ ngách cuộc đời, có ai đọc nhiều và đi nhiều như nhà báo, thành ra có nhiều người sau trở thành nhà văn hóa và thành công. Ngày trước có nhiều người rất ngạo mạn, như Nguyễn Trung Hiếu bây giờ, Trưởng văn phòng báo Lao Động miền Trung đã nói với tôi rằng bây giờ cậu mới thấy sự quan trọng của văn hóa và hiện cậu đang là nhà văn hóa, rất am hiểu về Quảng Nam – Đà Nẵng. Như vậy, tôi luôn khuyên các bạn phải làm báo một cách trung thực đồng thời phải bồi dưỡng kiến thức thường xuyên về nơi mình công tác để sau nầy trở thành nhà văn hóa của địa phương đó. 14. Thưa ông, những nhà báo nào hiện nay ông quý nhất? Thế hệ nhà báo với tôi và thế hệ nhà báo bây giờ tôi không tiện nói. Còn nói thế hệ đàn anh của tôi thì người đầu tiên tôi kính phục nhất là ông Hiếu Chân và người tôi phục nhất ở Huế là ông Phạm Bá Nguyên, còn bạn mà tôi xem như thầy là anh Lý Quý Chung và anh Trần Trọng Thức. Đó là hai người nhỏ tuổi hơn tôi nhưng tư cách, kinh nghiệm nghề nghiệp của họ là đáng học. 15. Thưa ông, ông có thể cho biết trong báo chí ông có đi theo trường phái nào không? Ông đã áp dụng tư duy làm báo tư bản vào nghề báo ở một nước XHCN như thế nào? Có nhà báo đàn em nào theo trường phái của ông và có người nào ông muốn nhắc tới họ không? Khoảng trên 10 người được tôi phát hiện và giúp họ phát triển tài năng. Như Lâm Chí Công, hiện ở Quảng Trị và phụ trách văn phòng báo Lao Động Bắc miền Trung. Ngày Công đang ở Hương Hóa trồng cà phê thì tôi lên đưa về, sau Công đã trở thành một nhà báo giỏi. Hay trường hợp cô Bảo Chân ở báo Phú Yên. Khi tôi vô Phú Yên tìm người, tôi có đọc báo Phú Yên thấy xuất hiện cô Bảo Chân này, thấy bài viết sắc sảo tôi bèn tìm tới nhà cô ở dưới núi Chóp Chài, đề nghị cô về làm cho báo Lao Động tại địa bàn Phú Yên. Một thời gian sau tôi “bắt” cô phải vô Khánh Hòa. Tôi bảo cô Bảo Chân này có năng lực mà cứ ở tại Phú Yên thì không phát huy được hết khả năng. Cô phải ở đô thị lớn thì mới phát triển được. Lúc đó cô không đồng ý, tôi bảo không chịu thì thôi. Sau cả gia đình cô vô và trở thành một nhà báo rất có uy tín. Cô có thể được cất nhắc lên làm lãnh đạo nhưng cô vẫn làm báo ở Khánh Hòa, sống bằng nhuận bút và lấy uy tín của mình ra vận động mạnh thường quân quyên góp làm từ thiện, một năm cô vận động được 4 -5 tỉ cho dân nghèo. Còn có những bạn ngày xưa làm báo không được nhưng giờ có chút quyền hành lại thái độ xem bản thân như Chủ tịch tỉnh. Những người như vậy tôi thấy cũng không nên nhắc đến làm gì. 16. Trong đời làm báo thì ông thích nhà báo nào nhất và ông có sợ nhà báo nào không, thưa ông? Có nhiều nhà báo mà tôi rất có cảm tình và tôn trọng như đã nói có anh Trường Phước. Vô tình có một lần đi nhận giải A báo chí năm 1997 thì tôi đứng bên cạnh anh. Người cầm bút nhân cách là quan trọng lắm. Hiện nay có nhiều người viết báo giỏi nhưng cũng có những nhà báo khiến tôi sợ. Như Đà Nẵng là dân làm báo nổi tiếng sắc sảo, nhưng ở đó cũng có một nhóm nhà báo không chân chính, chuyên đi đánh quả lấy phong bì. Buổi sáng họ đi cà phê bàn bạc xem hôm nay chỗ nào khai trương gì, tổ chức lễ lượt gì, họ đến mấy chỗ bán hoa xem tin tức, địa chỉ rồi tới lấy tài liệu và phong bì. Không những thế họ còn viết thuê cho bất cứ chỗ nào đặt hàng, biến đen thành trắng, biến trắng thành đen, trong đó có khi họ chống chính tôi. Ví dụ như họ dựng ra những chuyện không thực như anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói với họ rằng: “Tôi đã nói với Nguyễn Đắc Xuân là ông Nguyễn Hiển Dĩnh là anh hùng dân tộc, tôi nói ông Nguyễn Đắc Xuân đừng viết mà ông ấy cứ viết”. Anh Tường không nói chuyện đó, nhưng những chuyện vô lý như thế dưới cái miệng của những người mang danh nhà báo vẫn cứ lan truyền. Tôi sợ mấy nhà báo kia lắm. Tôi tránh gặp họ. Tôi là nhà báo mà tôi lại sợ nhà báo vì họ không biết mình nói cái gì về lại xuyên tạc đủ thứ. 17. Thưa ông, có thể nói đời làm báo khá dài đã đưa ông tới nhiều vùng đất. Vậy nơi nào ông thích nhất và nơi nào ông không muốn trở lại lần thứ hai? Trong đời tôi có may mắn được đi nhiều nước nhưng nước Pháp là nơi tôi thích nhất, còn ở VN những chỗ có liên quan đến triều Nguyễn, triều Tây Sơn là tôi thích nhất. Những nơi tôi không thích là những nơi tôi chưa hiểu nhiều về con người và đất ở đó. Đó cũng là một thiếu sót của tôi. Khi nhận ra điều đó thì tôi đã lớn tuổi và không còn cơ hội để sửa chữa nữa. 18. Thưa ông, ông có còn nhớ những bài báo nào được xã hội hoan nghênh và được đưa vào cuộc sống không? Tôi thấy vui vì đã viết được những bài gây hiệu ứng xã hội tốt, đấu tranh có kết quả, mang lại điều tốt đẹp cho đất Huế này. Ví dụ như loạt bài tôi viết về vụ đấu tranh giành lại trái tim cho Huế, không để cho một cơ quan nước ngoài xây dựng Guest House tại khu bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay. Hay bài tôi viết về sự hoang tàn ở Văn Thánh, sau đó được trùng tu lại khang trang khiến tâm tôi phần nào thanh thản. Đặc biệt là bài “Tiếng kêu cứu từ thượng nguồn sông Long Đại”, đã lay động và kêu gọi mọi người gửi tiền và đồ dùng về giúp đỡ thiết thực cho người dân nghèo trong cơn hoạn nạn ở xã Trường Sơn tôi đã nói trên. Tôi cũng có loạt bài viết về Nguyễn Hiển Dĩnh, đăng trên Tạp chí Sông Hương và Huế xưa và nay. Thành phố Đà Nẵng đang sửa soạn đặt tên ông cho một con đường ở đây, nhưng sau loạt bài của tôi thì họ đã hủy bỏ. Bên cạnh nhiều bài báo đấu tranh có kết quả thì tôi cũng rất tiếc vì chính quyền sở tại không nhìn thấy những điều nên thấy. Trong văn hóa thì tôi rất trọng sách, qua bên Pháp tôi thấy nhiều người bỏ ra một đời sưu tập mua sắm được một tủ sách rất quý, có người sắp chết rồi vẫn nhìn tủ sách của mình… Cho nên về nước tôi viết bài “Ngân hàng sách” với mong muốn nhà nước ta sẽ làm ra một ngân hàng sách, làm nhà làm cửa hẳn hoi, để những ai có sách họ muốn lưu giữ tốt và phục vụ dân chúng thì họ đem vào gửi. Họ cho nhà nước sách luôn thì tốt, họ không cho thì sách đó vẫn là tài sản của họ, tài sản đó không để ở nhà gửi vào Ngân hàng sách nhà nước để phục vụ độc giả. Một lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin lúc đó khen ý tưởng hay nhưng đến nay vẫn không triển khai làm, khiến nhiều người có những tủ sách lớn rất khổ tâm lo nghĩ về việc bảo quản, lưu giữ cũng như trăn trở làm sao tủ sách quý của mình được phục vụ độc giả một cách đàng hoàng, hiệu quả và an toàn nhất. Riêng với cá nhân tôi, nếu Huế này có một ngân hàng sách như thế thì có bao nhiêu sách tôi cũng đem lên hết. Còn ý thức bảo quản sách trong thư viện của ta còn quá kém, không có kỹ năng cũng như cái tâm để bảo vệ những đứa con tinh thần của các chủ sách nên không ai yên tâm khi giao phó tài sản mình yêu quý cho thư viện cả. 19. Thưa ông, có khi nào ông đọc chồng báo cũ do ông viết và thấy có gì nên nghĩ lại, thấy có gì thẹn với lương tâm cần bỏ đi không? Theo tôi, một bài báo thì có hai giá trị. Một là giá trị thời sự, hết tính thời sự thì bài báo chỉ còn là sự lưu niệm thôi. Như ngày xưa dân xã Trường Sơn chịu lụt lớn, cực khổ muôn phần, nhưng hiện nay đã giàu có hơn thì trận lụt đó chỉ là quá khứ. Thứ hai là bài báo đưa ra ý tưởng, nó thể hiện ý tưởng của thời đại đó sau này nó vẫn còn giá trị. Tôi lấy ví dụ như khoảng năm 1985, tôi viết bài về vấn đề khoa học xã hội hiện nay, trong đó nhấn mạnh yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Bài viết đó đến giờ này vẫn còn nguyên giá trị, có thể hiện nay khi mà đạo đức xã hội đang đi xuống, thì nó thậm chí còn có giá trị hơn cả thời đó nữa. Đọc lại những bài đó mình mới thấy may mắn là mình không nói sai, mình không có khen ai quá, cũng không chê ai ngoài cái xấu của họ nên đọc lại cũng thấy có nhiều kỷ niệm vui. Và cũng có nhiều bài, vì sự trung thực mà có thể in lại thành sách để đời sau này biết về thời đại trước của mình. Những bài mà giờ không còn tính thời sự thì nó cũng nhắc lại kỷ niệm vui của một thời. Còn những bài mà thực sự có ý tưởng thì mình nên giữ lại để nói lên cái tư tưởng của người cầm bút trải qua các thời kỳ. Tư tưởng của người cầm bút không phải là viết lại những triết lý mà cho độc giả thấy một sợi chỉ xuyên suốt. Những cái đó phải giữ lại để sau người ta hiểu ông Nguyễn Đắc Xuân ra làm sao chứ. Có phải ông Nguyễn Đắc Xuân ngày hôm nay thế này ngày mai như thế khác không (?). Tôi từ khi tranh đấu đến lúc đi kháng chiến và khi hòa bình thì tư tưởng tôi vẫn không thay đổi, trước sau như một, luôn vì cách mạng, vì con người, vì sự phát triển của xã hội. 20. Thưa ông, ông có nhận xét gì về tình hình báo chí Việt Nam hiện nay? Báo chí cũng có mấy thế kỷ rồi, đầu tiên thì sắp chữ in ty - pô, sau này thì in mo no type sắp chữ bằng máy. Nhưng có thể nói trong hơn 10 năm trở lại đây thì sự ra đời của báo điện tử đã làm thay đổi hết, báo hiệu trong tương lai sẽ không còn báo viết nữa, không còn người đọc báo viết nữa. Báo viết chỉ còn để kỷ niệm cho vui thôi, còn làm báo với nhiệm vụ để thông tin thì báo điện tử nó sẽ thay thế. Và nhiều tờ báo lớn của Mỹ đã có mấy trăm năm rồi bây giờ dẹp chuyển qua báo điện tử. Báo điện tử vô cùng có giá trị, vô cùng nhanh chóng nhưng nó cũng rất tai hại, làm cho tư tưởng con người sa đọa, vi phạm nhân quyền, làm con người sống trở nên bản năng. Tự do quá thì con người sống không còn lý trí, không còn nhân văn nữa, cái đó rất nguy hiểm. Cho nên dù là báo điện tử cũng phải lập nên những nhà báo trụ cột để cho nhân loại theo hướng chuẩn mực đó. 21. Thưa ông, là một nhà báo lão thành đã kinh qua nhiều gian khổ cũng như thành công, ông có lời khuyên gì cho thế hệ làm báo hôm nay? Tôi không dám lấy đạo đức của bất cứ ai hay của bậc cha chú để đưa ra lời khuyên, tôi chỉ lấy chính cuộc đời làm báo của mình để nói với thế hệ làm báo hôm nay. Trong đời tôi, thứ nhất phải trung thực, thứ hai nhà báo cũng là người chiến sĩ phải can đảm, khi cần thì phải chịu thiệt thòi, hy sinh. Còn viết báo để sống là chuyện bình thường, ai học và thực hành 5 chữ W + 1 chữ H (When? Where? Who? What ? Why? How?) là có thể viết được. Từ một người viết báo bình thường để trở thành một nhà báo được cuộc đời xem trọng khoảng cách khá xa, ít người đạt được. Đây là một trải nghiệm chứ không phải một lời khuyên bất cứ ai. Rất mong được cảm thông.

Thu Ngà

thực hiện

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam