Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
19/01/2018 15:35

Nghề báo xưa và nay

(Theo congly.vn) Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề báo cũng có nhiều thay đổi.

Sự khác nhau giữa báo chí xưa và nay

Hình thành và phát triển trong môi trường thuộc địa, báo chí cách mạng Việt Nam thủa sơ khai đã ít nhiều bị hạn chế trên nhiều phương diện: Xã hội, tâm lý, kỹ thuật... Việc “xử lý” thông tin, tất cả các công đoạn đều thực hiện “thủ công”: Từ viết tay tin, bài ra giấy, đọc - chỉnh sửa… hoàn chỉnh một tin, bài cũng phải mất vài tờ giấy bản thảo. Mặt khác, một trong những khó khăn của báo chí lúc bấy giờ là nạn mù chữ. Ngoại trừ thành thị, dân chúng ở nông thôn rất ít người biết đọc chữ nên người xem báo rất ít. Thế nhưng, báo chí lại sống được chủ yếu là nhờ vào độc giả.

Đến đầu thập niên 1990, những người làm báo vẫn chủ yếu viết tin, bài bằng “giấy trắng mực đen”. Việc dùng máy đánh chữ viết tin, bài, dàn trang báo được xem là bước “cải tiến” trong nghiệp vụ. Từ khi có máy vi tính, người làm báo mới đỡ vất vả, thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn.

Lúc bấy giờ, các công đoạn nhờ nhân viên nhà in gõ lại bản thảo xem như không cần thiết nữa nhưng tòa soạn phải cử nhân viên xuống nhà in để theo dõi việc dàn trang. Đây được xem là bước cải tiến của báo in nước ta. Chuyển từ sắp chữ chì sang dàn trang trên máy tính; việc vẽ tít, co chữ, font chữ dễ dàng và linh hoạt hơn. Việc xem, chỉnh sửa, biên tập lại tin, bài cũng khá dễ dàng, nhanh chóng và không tốn nhiều giấy mực như khi làm báo “thủ công”.

Trong thời công nghệ số, quyển sổ và cây bút có lẽ là đồ nghề truyền thống hiếm hoi còn hiện hữu trong hành trang của nhà báo. Cây bút và quyển sổ là đồ vật bất khả ly thân của phóng viên ngày xưa khi tác nghiệp. Ngày nay, nhiều phóng viên đã thay thế chúng bằng những thiết bị “tối tân” như máy smartphone và laptop.

Nhà báo xưa...

Đối với các phóng viên thời xưa, chiếc máy ảnh chụp phim là một tài sản lớn, không phải ai cũng có cơ may được sở hữu. Phóng viên ngày nay thì có quá nhiều trang thiết bị dùng để ghi hình ảnh, từ chiếc điện thoại di động cho đến những chiếc máy ảnh DSLR hầm hố. Người nào cũng phải có ít nhất một thiết bị có khả năng chụp ảnh!

Trên chiếc xe đạp lọc cọc, phóng viên ngày xưa có thể đạp vài chục cây số để đi tác nghiệp, và không phải ai cũng có xe để đi. Thậm chí nhiều người không quản ngại đi bộ băng rừng lội suối nhiều ngày để có được những tin tức giá trị. Phóng viên ngày nay đã được “phổ cập” xe máy, nhiều người đã có ôtô và được hỗ trợ bởi một mạng lưới giao thông công cộng vươn tới mọi ngóc ngách của đất nước.

Chiếc đài bán dẫn là vật dụng không thể thiếu để phóng viên ngày xưa cập nhật tin tức cả ngày lẫn đêm. Ngày nay, sự phổ biến của Internet và truyền hình đã khiến những chiếc đài bán dẫn đi vào… bảo tàng. Phóng viên ngày xưa phải đọc nhiều sách báo để có những thông tin, tri thức cần thiết cho bài viết của mình. Phóng viên ngày nay thường dành nhiều thời gian “lang thang” trên Google để tìm kiếm thông tin cần thiết.

Điện thoại cố định là phương tiện duy nhất cho phóng viên ngày xưa khi muốn đối thoại trực tiếp với người ở xa. Phóng viên ngày nay có thể “alo” mọi nơi mọi lúc nhờ những chiếc điện thoại di động bỏ túi tiện lợi và nhiều công dụng. Phong bì và tem thư là vật dụng thiết yếu để phóng viên ngày xưa trao đổi tin tức, đặc biệt là trên phạm vi quốc tế. Giờ đây nó đã bị thay thế bằng thư điện tử và mạng xã hội trên internet.

Ngày nay, trước sức ép của kinh tế thị trường, của sự tự chủ về kinh tế, báo chí cũng phải “đổi mới”, chạy theo thị hiếu của người đọc. Bây giờ, mỗi sáng khi thức dậy, chỉ cần vào mạng mở ra các trang báo, sẽ thấy quá nhiều nội dung, lôi kéo người đọc nhưng hầu hết là các vụ việc tiêu cực từ tham nhũng, cướp giật, giết người, hiếp dâm... tìm được một bài điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt thật khó khăn.

Ngày nay làm báo nhất là báo điện tử, với tốc độ bão của công nghệ hiện đại khiến nhiều nhà báo sinh ra lười biếng không cần đi thực tế cũng có bài. Cùng một nội dung được các nhà báo “xào xáo”, thay cái tên thật hấp dẫn, thật ấn tượng... để không bị coi là “đạo văn” thế là xong! Nhà báo ngồi salon, máy lạnh viết về xâm nhập mặn ở đồng sông Cửu Long, cá chết ở Vũng Áng, nắng nóng, bão lũ ở miền Trung là… bình thường!

Tâm sự của “người trong cuộc”

Trao đổi với chúng tôi về nghề, anh Trần Văn Đạt, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tâm sự: Anh bước chân vào nghề báo từ năm 1997. Lúc ấy, các phương tiện công nghệ hỗ trợ nghề không được như bây giờ. Phóng viên ở xa viết xong tin, bài muốn chuyển về tòa soạn chỉ thông qua bưu điện.

Với những tin, bài “hót” sẽ dùng tới máy fax. Mà ngày đó, máy fax là một thứ dụng cụ quý hiếm, vì thế sau khi viết xong, phóng viên phải kiếm ngay bưu điện gần nhất fax về tòa soạn. Ngày đó làm gì có máy ảnh kỹ thuật số, smartphone mà chỉ có máy ảnh cơ chụp bằng film. Mà phim thì đắt đỏ nên chụp kiểu nào phải ăn chắc kiểu đó. Sau khi chụp xong đem tới tiệm in ra, cho vào bì thư rồi gửi về tòa soạn. Mà không phải phóng viên nào cũng có máy ảnh để tác nghiệp. Hầu hết phóng viên thường tranh thủ mượn nhau hoặc luân phiên sử dụng máy của cơ quan là chính.

... và nay

Phương tiện đi lại cũng rất khó khăn, rất ít phóng viên có xe máy. Phần đông vẫn đi tác nghiệp trên chiếc xe đạp cọc cạch. Đường gần thì không sao, đường xa thì vô cùng vất vả, nhất là những lúc nhận được tin nóng ở xa, vắt chân lên đạp xe, thế nhưng khi tới được hiện trường thì mọi thứ đã xong xuôi.

Ngày nay, làm báo có nhiều thuận lợi hơn về mọi mặt như: Phương tiện tác nghiệp, phương tiện đi lại, mạng internet. Đặc biệt là sự phát triển các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội... đã giúp các phóng viên rất nhiều trong việc tìm kiếm tư liệu và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Với những phóng viên chân chính, chăm chỉ thì họ chỉ xem các kênh kia như là một thông tin để tham khảo. Nhưng với những người lười biếng thì khác, các phương tiện đó vô tình đã tạo ra những phóng viên “salon” và bạn đọc tất nhiên sẽ nhận được những sản phẩm không chất lượng.

Chị Đinh Thu Trang, phóng viên báo Nhân dân tâm sự: "Làm báo ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy, nhà báo phải có tâm huyết và trách nhiệm với tác phẩm của mình, dẫu là một cái tin, cái ảnh. Trang bị đầu tiên mà nhà báo cần có đó là “đạo đức và tác phong nghề nghiệp”. Phải đưa lợi ích của tập thể, của xã hội lên hàng đầu. Viết và phản ánh đúng những gì mà họ thấy, họ trải nghiệm như vậy độ sâu của bài viết, nội dung truyền tải tới công chúng sẽ mang tính nhân văn đẹp đẽ".

Nghề báo là một nghề hấp dẫn, đầy sự khám phá nhưng cũng đầy hiểm nguy. Hào quang cũng có mà đau khổ cũng không thiếu. Để có thể trụ vững và sống được với nghề báo, đòi hỏi bản thân không chỉ có tư tưởng chính trị vững vàng mà còn phải tỉnh táo, biết cách bảo vệ mình, bảo vệ nhân vật và không được hiếu thắng.

Thiết nghĩ, sự hiểu biết cộng thêm một tình yêu say đắm với nghề nghiệp sẽ tạo nên nhân cách trong mỗi nhà báo. Đó chính là thước đo để khẳng định giá trị tâm hồn của nhà báo đối với các độc giả. Tâm có sáng thì làm gì cũng bền. Báo chí không những được biết đến là nơi khai thác thông tin thời sự, nóng hổi, mà ở đó những nhà báo còn là những chiến sĩ âm thầm tìm kiếm giá trị đích thực cho cuộc sống. 

Tiến An

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam