Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
23/07/2018 14:27

Cuộc đời của nhà báo xuất thân từ hoàng tộc - Nguyễn Minh Vỹ

Với tất cả tấm lòng kính trọng, người viết bài này luôn tưởng nhớ đến anh là nhà báo lớn Nguyễn Minh Vỹ. Là một trí thức xuất thân từ hoàng tộc triều Nguyễn, anh sớm hiểu biết về chế độ thực dân và phong kiến bù nhìn. Anh tham
Với tất cả tấm lòng kính trọng, người viết bài này luôn tưởng nhớ đến anh là nhà báo lớn Nguyễn Minh Vỹ. Là một trí thức xuất thân từ hoàng tộc triều Nguyễn, anh sớm hiểu biết về chế độ thực dân và phong kiến bù nhìn. Anh tham gia phong trào yêu nước từ nhỏ và đã bị kết án tù khổ sai bảy năm khi vừa tròn 17 tuổi (1931). Ðiều mỉa mai là tòa án phong kiến Nam triều cùng với án tù đã tuyên bố tước bỏ dòng dõi hoàng tộc của anh và bắt anh lấy theo họ mẹ. Nghe tuyên án, anh bật cười và ứng khẩu một bài thơ dài. Chỉ xin trích ba câu: Nghe án tuyên xong bỗng nực cười.../ Cải tùng mẫu tánh thì cho cải/ Tôn Thất hay Trương (họ mẹ) cũng một người.

Chân dung nhà báo Nguyễn Minh Vỹ.

Ra tù, anh tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng với tên gọi Nguyễn Minh Vỹ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, anh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Khánh Hòa, rồi làm Bí thư đảng đoàn Ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ và tham gia Liên khu ủy làm Chánh văn phòng Liên khu ủy cho đến khi tập kết ra bắc. Chúng tôi được làm việc cùng anh khi anh được cử làm Vụ trưởng Vụ Thống nhất Ban Tuyên giáo Trung ương kiêm Chủ nhiệm Báo Thống Nhất. Hai anh em bỗng trở nên thân thiết từ một sự cố. Theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, một số tờ báo phải đề tên chủ nhiệm, chủ bút. Tên Chủ nhiệm Báo Thống Nhất được ghi rõ là Tôn Thất Vỹ. Anh cầm tờ báo sang thẳng Vụ Báo chí đặt trước mặt Vụ trưởng Lưu Quý Kỳ, nói với giọng nghiêm lạnh hiếm khi thấy ở anh: "Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo không có tên Tôn Thất Vỹ, sao các đồng chí lại đưa Tôn Thất Vỹ thay tôi làm Chủ nhiệm Báo Thống Nhất". Lưu Quý Kỳ chỉ sang bàn bên cạnh: "Anh hỏi cái cậu Phó vụ trưởng là người quyết định việc này". Phó vụ trưởng đứng dậy nói với giọng cười vui: "Tòa án Nam triều trước đây đã hủy họ Tôn Thất, nay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tất có quyền trả lại dòng Tôn Thất để ông Vỹ được theo họ cha". Anh Vỹ cũng cười: "Cần phải khẳng định, đây là Vụ Báo chí tự làm, nếu cấp trên có ý kiến thì trách nhiệm thuộc về Vụ Báo chí chứ không tự Báo Thống Nhất". Từ góc phòng, đồng chí thư ký của vụ đứng lên góp chuyện: "Văn phòng Bác Hồ vừa gửi báo sang quyết định tặng huy hiệu cho một nữ dũng sĩ trên trang nhất báo hôm nay và không nói gì đến tên công khai của chủ nhiệm. Bác đã không có ý kiến tức là Bác đồng ý rồi". Vừa lúc, một đồng chí ở Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương mời cả ba anh Nguyễn Minh Vỹ, Lưu Quý Kỳ và Ðỗ Phượng lên phòng Phó Trưởng ban Trần Quang Huy để gặp đồng chí Bí thư Lê Văn Lương. Vừa đến cửa phòng, anh Trần Quang Huy vui vẻ: "Ðủ cả ba người vào gặp anh Lương nhận nhiệm vụ đặc biệt". Anh Lê Văn Lương kéo ba người ngồi xuống và nói: Bác Hồ giao cho ba anh một công việc dài ngày và có phần vất vả. Sáng sớm mai các anh phải lên đường đi thẳng vào đặc khu Vĩnh Linh kiểm tra việc chuẩn bị phòng không từ Vĩnh Linh đến hết địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Công việc Bác đã ghi ra giấy, Bác chỉ nhắc phải đi thẳng vào Vĩnh Linh trước, càng sớm càng hay rồi làm theo lối cuốn chiếu về Thanh Hóa. Tổ công tác do anh Nguyễn Minh Vỹ phụ trách. Bác còn dặn thêm cả ba đều là người làm báo nhưng đây là chuyến đi công tác không viết báo. Chỉ được nói đi công tác địa phương và không nói gì đến nội dung công việc".

Đoàn Việt Nam DCCH tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Minh Vỹ (ngoài cùng bên phải) - Ảnh: tgvn.com.vn

Ðược cùng đi làm việc với hai bậc đàn anh cả về tuổi đời lẫn tuổi cách mạng chắc tôi sẽ thu hoạch nhiều điều. Quả thật suốt dọc đường đi và về, trong khi anh Lưu Quý Kỳ năng nổ và vui vẻ nói đủ thứ chuyện đông tây nam bắc, nhận xét vui về người này người khác thì anh Nguyễn Minh Vỹ chỉ nghe, nghĩ nhiều hơn nói. Anh cũng có những nhận xét hóm hỉnh, nhưng đều tập trung vào nhiệm vụ. Những ngày ở Vĩnh Linh, anh cẩn thận đi theo dọc bờ sông Bến Hải đến từng làng, từng đơn vị, xem từng hầm hào. Anh trực tiếp xem từng cột gỗ, từng hàng tre và dùng gang bàn tay đo các vách hào. Anh hỏi người dân có thể đào thông các hầm với nhau mà không sợ bị sụt không. Tối về làm việc với Ðặc khu ủy, anh nêu hai ý kiến, một là đất ở đây chắc, nếu đào sâu xuống và thông các đường hầm với nhau và cách khoảng mười mét lại đào xuống một hầm sâu thì có lợi hơn; hai là nên cho các cháu kể cả các học sinh cấp 3 chuyển dần ra phía bắc học chung với địa phương hoặc mở lớp riêng, tính số các cháu học lớp 10 để nếu có thể thì chuyển ra Hà Nội học tập để dễ tuyển vào đại học. Ở Quảng Bình cũng vậy, anh nhắc cố gắng tổ chức thêm lớp học ở mấy huyện phía tây bắc tỉnh. Và cứ như vậy chuyến làm việc kết thúc ở Quân khu IV và Thanh Hóa. Chỉ một năm rưỡi sau, những điểm dự báo ghi trong văn bản của Bác Hồ mà anh Lê Văn Lương trao cho anh Nguyễn Minh Vỹ đều trở thành hiện thực. Cho đến khi về nhận công tác ở Thông tấn xã Việt Nam, tôi còn nhiều dịp theo anh đi các địa phương và cơ sở nắm tình hình chuẩn bị cho các chuyến công tác của Bác Hồ. Ấn tượng sâu sắc từ anh chính là sự cẩn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện đúng yêu cầu của cấp trên. Ði tận nơi xem xét nghe mọi ý kiến và chỉ khi cần mới nói, nói ngắn hóm hỉnh, đôi khi nói vần như ca dao. Nghe anh dễ hiểu, sâu sắc mà vui. Ðọc các bài viết của anh cũng vậy. Nhớ mãi chuyện anh yêu cầu số nào cũng phải viết bài cho Báo Thống Nhất, dù chẳng là bao nhưng anh yêu cầu anh Nguyễn Chánh Sắc thường trực Báo Thống Nhất cứ đầu tháng trả trước tiền nhuận bút. Ðúng là phong cách Nguyễn Minh Vỹ. Sau này sang Ban Thống Nhất, làm Phó trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Hội nghị Pa-ri, rồi về làm ở Tổng cục Thông tin, nhờ làm Thông tấn xã mà tôi luôn được làm việc với anh. Có người thân của anh bảo anh là nhà chính trị "tầm tầm". Chắc ngụ ý muốn nói anh không phải là cán bộ lãnh đạo cấp cao. Chớ nghĩ vậy, Nguyễn Minh Vỹ là một nhà hoạt động chính trị có bản lĩnh, được cấp trên tin cậy, anh em tôn trọng và nghe theo. Nguyễn Minh Vỹ là như vậy. Sẽ không sai, nếu gọi anh là chiến sĩ cách mạng hay nhà báo cách mạng tiêu biểu.

Theo Đỗ Phượng

Nguồn: nhandan.com.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam