Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
29/05/2020 14:32

Chuyện kể rước 'Cụ Loa' bên bờ Hiền Lương về Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Hồi mới nhận công tác ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong cuộc họp cơ quan, khi đồng chí Giám đốc đề cập đến “một việc quan trọng” là phải vận chuyển chiếc loa 500W ở bến Hiền Lương, Quảng Trị về Hà Nội gấp, tôi lập tức xung phong nhận nhiệm vụ.

Vào đến nơi, tôi gặp ngay anh Trần Đăng Mậu - Phó Chủ tịch thường trực, người đã rất tích cực và công phu trong việc giúp Bảo tàng có được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trong việc chuyển giao chiếc loa, một hiện vật gắn với câu chuyện “đấu loa” bên cầu Hiền Lương thời chống Mỹ. Anh Sỹ - Chánh văn phòng Hội giúp tôi thuê xe tải và đi về cùng tôi suốt chặng đường gần 60km. Ngay khi nhìn thấy chiếc loa, tôi đã ngỡ ngàng vì kích thước của nó, với chiều dài 2,04m; chiều rộng miệng loa 1,64m. Chiếc loa được phân làm ba đoạn, hai đoạn đầu tạo thành thân loa, có chiều dài 1,41m, đoạn cuối là vỏ chứa tổ hợp khuếch đại âm thanh có chiều dài 0,72m, toàn bộ mặt bên trong phẳng, mặt bên ngoài được đúc gờ nổi dọc thân loa. Khi anh Sỹ chụp ảnh kỷ niệm cho tôi, tôi cao 1,7m nhưng cũng chỉ chớm đến củ loa. Một nữ cán bộ tại Ban Quản lý Di tích cười bảo: Hồi xưa loa phát lên mà gà vịt chạy ngang qua là lăn quay ra vì với độ phóng 500W nên sức nén rất khủng.

Loa bờ bắc sông Bến Hải được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Loa bờ bắc sông Bến Hải được trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đứng ở nhà lưu niệm bên bờ Bến Hải, qua những câu chuyện kể liên quan đến chiếc loa, ký ức như ùa về. Người Đất Thép hiên ngang, chắc tay súng bảo vệ vùng trời quê hương, ở đó cùng với tiếng súng là tiếng loa vang lời thề thống nhất vọng cả đôi bờ. Câu xướng: Đây là Đài Truyền Thanh Vĩnh Linh... vang lên át tiếng súng chiến trường cháy bỏng. Những phóng viên, kỹ thuật viên, Phát thanh viên của Đài Truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh, người còn, người mất, nhưng họ tự hào một thời làm công tác tuyên truyền cơ sở vật chất thiếu thốn đối mặt với quân thù, với gian khổ hy sinh nơi đầu cầu giới tuyến, nơi tiếng Loa hòa tiếng súng, mà chiếc loa 500W, được dùng di động đặt ở phía bắc sông Bến Hải để đấu tranh với đế quốc Mỹ và Ngụy quyền tay sai ở miền Nam (từ năm 1955-1966) là một chứng tích hào hùng. Ông Đỗ Công Tích - nguyên Phát thanh viên Đài Truyền thanh giới tuyến Vĩnh Linh - Quảng Trị không khỏi nghẹn ngào tâm sự: do yêu cầu của công tác tuyên truyền ở giới tuyến cho nên Trung ương bổ sung cho Vĩnh Linh một cái loa 500W, loa gồm ba đoạn đi theo nó là có một cái máy tăng âm 500W, vì cả máy, cả củ loa và tăng âm nặng gần 1 tấn nên phải dùng một chiếc rơ-móc để kéo sau xe, mỗi lần đi tuyên truyền ở giới tuyến phải đưa loa sát vào trong bờ Bắc, quay xe lại cách xa 300m để phát chứ nếu phát tại chỗ thì micro không chịu nổi. Lúc đầu chúng tôi đi phát những điểm lớn, ví dụ như: Huỳnh Thượng, Hiền Lương, Tuần Ruật, trong thời kỳ chưa chiến tranh, đến khi chiến tranh dùng nó để tuyên truyền binh vận... câu chuyện ông kể vang xa như tiếng loa năm nào.

Empty

Chúng tôi phải huy động 6 người khỏe mạnh, cả bảo vệ của khu di tích cũng tham gia khênh “cụ loa” ra xe. Xe để ngoài đường lớn cách hàng trăm mét. Chúng tôi vừa khênh vừa nghỉ. Mất rất lâu mới đưa được chiếc loa lên thùng xe và cột chặt lại rồi di chuyển ra ga tàu hỏa. Tuy nhiên, vì thấy loa nặng lại cồng kềnh, tàu dừng ở ga 3 phút sẽ không kịp chuyển lên nên chúng tôi quyết định ra bến tìm xe tải chở hàng ra Hà Nội. Anh tài xế tưởng là cổ vật nên không nhận chở, phải thuyết phục mãi, đưa cả giấy tờ liên quan đến chiếc loa ra, anh mới đồng ý. Đến Hà Nội, xe tải phải đậu ở gầm cầu Thanh Trì, tôi lại phải kỳ cạch đi thuê xe cẩu để đưa loa về đến nơi. Khi chiếc loa được chuyển vào phòng bảo quản, cả cơ quan ai cũng mừng. Bởi đây là một trong ba phiên bản phục chế quý giá từ bản gốc của chiếc loa đại tại bờ Bắc sông Bến Hải, gắn với một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nơi đất lửa Vĩnh Linh anh hùng. Hiện, chiếc loa đã được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Bảo chí Việt Nam ở phố Dương Đình Nghệ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và đang chờ ngày ra mắt công chúng vào dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 tới.

Nguồn: Congluan.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam