Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
28/06/2018 14:33

Ảnh báo chí: Trông người lại nghĩ đến ta

(CAND) - Một sự kiện vừa thu hút giới báo chí, đặc biệt là các phóng viên ảnh Việt Nam, đó là Triển lãm "Ảnh báo chí thế giới" tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Vậy là sau 15 năm vắng bóng, Triển lãm Ảnh báo chí thế giới đã trở lại Việt Nam, đưa tới cho người xem 130 khoảnh khắc ấn tượng nhất được chọn từ 4.548 nhiếp ảnh gia ở 125 quốc gia với 73.044 bức ảnh.

Người xem có dịp Thưởng lãm những tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới năm qua và cảm nhận rõ sức mạnh của ảnh báo chí trong thời đại công nghệ số hôm nay. Xem những bức ảnh này, không khỏi không có nghĩ suy về ảnh báo chí Việt Nam.

Ấn tượng mạnh nhất khi bước vào triển lãm Ảnh báo chí thế giới (kéo dài tới 6-7-2018) vẫn là những bức ảnh về chiến tranh và xung đột. Trong đó, bức ảnh giành giải thưởng lớn của năm chính là “Cuộc khủng hoảng Venezuela” của phóng viên ảnh Ronaldo Schemidt (Hãng AFP), với khoảnh khắc ngọn lửa bùng cháy trên lưng một người biểu tình trong cuộc đụng độ với cảnh sát ở Caracas.

Phóng viên ảnh Ronaldo Schemidt đã bắt được khoảnh khắc đắt giá. Sau này anh thú nhận: “Tôi đã đứng cách đó vài mét, khi cảm thấy hơi nóng phả sau lưng. Tôi quay lại chụp một cách bản năng nhất, không suy nghĩ. Những giây đầu tiên, tôi không biết mình thực sự đang chụp gì vì trước mặt chỉ là một đám cháy lớn. Tôi đã xúc động mạnh khi nhận ra đám cháy đang chuyển động và chạy về phía tôi, đó là một người đàn ông còn sống và bị lửa bám quanh người”.

Tác phẩm đoạt giải thưởng "Bức ảnh của năm" của Ronaldo Schemidt.

Xem những bức ảnh báo chí thế giới, công chúng sẽ nhận thấy sự khác biệt khá lớn về tính thông tin trên mỗi bức ảnh. Ở đó, những khoảnh khắc đắt giá đã được ghi lại một cách đầy cảm xúc. Với ảnh báo chí, thiết bị là yếu tố quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là “có mặt đúng lúc”. Sự có mặt của phóng viên ảnh ở đúng thời khắc quan trọng, hay lúc sự kiện cao trào khiến cho anh có được những cú bấm máy đắt giá. Đó là khoảnh khắc “một đi không trở lại”.

Theo nhà báo Nick Út - tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng – tác phẩm đã đưa ông giành giải thưởng Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí năm 1973 - ảnh báo chí phải trung thực. Nick Út dẫn chứng khi bức ảnh “Em bé Napalm” của ông công bố, Tổng thống Mỹ Nixon khi ấy đã nghi ngờ mức độ chân thực của hình ảnh.

“Có lẽ cũng vì thế nên chính quyền Mỹ không muốn Kim Phúc chết. Họ muốn cô sống để điều tra sự thật về bức ảnh. Còn với tôi, bức ảnh đó là sự thật không thể thật hơn về chiến tranh tại Việt Nam. Mọi nghi ngờ cũng đã được giải tỏa sau đó, khi một video do một người khác quay lại về cảnh máy bay ném bom được đăng tải” - Nick Út chia sẻ.

Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh từng chia sẻ: "Ảnh báo chí là một thể loại báo chí và nó sinh ra để cung cấp thông tin cho bạn đọc một cách khách quan và chính xác nhất qua cách thể hiện là những bức ảnh. Bạn không thể cung cấp cho bạn đọc một bức ảnh giả dối với dòng chú thích không chính xác, đó là điều tối kỵ khi làm phóng viên. Thêm nữa, độ nhạy bén với nghề, đó là khả năng nắm bắt được khoảnh khắc, tư duy hình ảnh, đề tài và sự tỉ mỉ, kiên trì, kiên định khi đeo bám một chủ thể hay một sự kiện…".

Tại hội thảo “Sáng tạo tác phẩm ảnh trong thời đại kỹ thuật số”, nhà nhiếp ảnh Việt Văn cũng chia sẻ: "Một bức ảnh báo chí phải kể một câu chuyện hay nhiều câu chuyện là tốt nhất bằng hình ảnh. Nếu đó là 1 sự kiện tức thì xảy ra lập tức đòi hỏi phóng viên phải bấm máy ngay thì các yếu tố thuộc về bố cục và tạo hình ở đây sẽ tùy thuộc vào phản xạ đã “ăn” vào máu người chụp.

Tuy nhiên, một bức ảnh ghi lại được một sự kiện nổi bật thì có thể chấp nhận phạm lỗi (kể cả sơ đẳng) về tạo hình như cột điện rơi vào đầu… nếu hành động xảy ra trong tích tắc. Trong trường hợp này có ảnh mới là quan trọng. Bức ảnh không cần đẹp mà cần thông tin".

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 850 cơ quan báo, tạp chí in; 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Hàng ngày, cần hàng ngàn bức ảnh báo chí và Việt Nam cũng nằm trong danh sách những nước hàng đầu thế giới sử dụng các phương tiện nhiếp ảnh.

Theo nhà phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, nếu cách đây 20 năm, độ chênh lệch về thiết bị chụp ảnh, làm ảnh so với các nước hàng đầu thế giới là một nửa thế kỷ, thì nay, đã ngang bằng. Tuy nhiên, ảnh báo chí (photojournalism) của chúng ta vẫn còn yếu.

Một vấn đề khác của ảnh báo chí, đó là có được photoshop không, và giới hạn photoshop đến đâu để không làm thay đổi bản chất sự việc vẫn còn có những ý kiến trái chiều. Như nhà báo Nick Út, đến giờ ông vẫn từ chối photoshop. “Tôi nghĩ là người phóng viên chụp lúc nào cũng không được photoshop, mà phải chụp tự nhiên”- Nick Út nhấn mạnh, đồng thời thêm rằng, “ảnh báo chí phải cho thấy lương tâm người chụp”.

Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, sự khách quan, trung thực là điều kiện tiên quyết, là tiêu chí cao nhất của thông tin nói chung và thông tin trong ảnh báo chí nói riêng. “Ảnh có những chi tiết thừa, thiếu mới đúng là ảnh báo chí, còn ảnh hoàn hảo quá, sạch sẽ và tròn vẹn quá thì không phải là ảnh báo chí” - ông Khánh nhấn mạnh.

Tác phẩm của phóng viên Richard Tsong-Taatarji đã chiến thắng ở hạng mục General News Singles
của giải thưởng Ảnh báo chí thế giới 2018 (World Press Photo 2018).

Khi bước vào kỷ nguyên số, mọi người đều có thể chụp ảnh và truyền tin trên các mạng xã hội thì quan niệm về ảnh báo chí đã có nhiều thay đổi. Nhiều trường hợp, các cơ quan thông tấn đã phải sử dụng những bức ảnh của người dân, du khách bởi đơn giản, họ là người có mặt, chứng kiếp sự việc - dù bức ảnh đó chất lượng còn có nhiều phần “nghiệp dư”.

Ở một khía cạnh khác, theo nhà báo - nhà nhiếp ảnh Việt Văn, quan niệm ảnh báo chí ngày nay “không còn cứng và nghiêm cẩn như trước”. Cụ thể, nhà báo Việt Văn dẫn chứng bức ảnh đoạt Giải ảnh Báo chí thế giới năm 2013 do Tập đoàn World Press Photo (WPP) tổ chức của nhiếp ảnh gia Paul Hansen (Thụy Điển) chụp mấy người đàn ông ướt đẫm nước mắt đang bồng thi thể hai em nhỏ Palestine thiệt mạng do tên lửa Israel phóng vào dải Gaza đã làm xúc động hàng triệu người.

Tuy nhiên sự tranh cãi đã bùng lên khi chính tác giả ảnh đã thừa nhận có “xử lý” ảnh… Paul Hansen đã dùng phần mềm máy tính để từ bức ảnh “thô” (file gốc) tạo ra nhiều bản copy có độ tương phản ánh sáng (thiếu và thừa) khác nhau, sau đó trộn tất cả những bản copy lại thành 1 bức ảnh duy nhất, có độ nét cao và màu sắc mạnh mẽ hơn.

Câu chuyện về ảnh báo chí cũng là chủ đề được thảo luận tại tọa đàm “Nghề báo ảnh trong thế giới hiện đại” vừa được tổ chức trung tuần tháng 6 tại Hà Nội. Tọa đàm xoay quanh 2 chủ đề chính: “Ghi lại bằng hình ảnh thế kỷ 21: Sự biến đổi của nhiếp ảnh” và “Đạo đức Nghề báo ảnh”.

Theo bà Sophie Boshouwers - chuyên gia làm việc tại Tổ chức Ảnh Báo chí thế giới cho rằng, ảnh báo chí từ những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, sự ra đời của internet và mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội - đã có nhiều thay đổi. Ngoài ra, còn có các vấn đề về sự phát triển của công nghệ đối với ảnh báo chí.

Công nghệ ảnh kỹ thuật số (digital) đã thay thế mạnh mẽ công nghệ ảnh phim truyền thống, ảnh đen trắng chuyển sang ảnh mầu. Bên cạnh đó, ảnh báo chí đã có nhiều thay đổi bởi sự góp mặt của ngày càng nhiều phóng viên ảnh là nữ giới.

Trước đây, chủ yếu nghề này chỉ  dành cho nam giới... Những bức ảnh báo chí của phóng viên nữ với những góc nhìn riêng, đã tạo cho ảnh báo chí có một sắc thái khác, đem đến cho công chúng những cảm xúc mới. Đặc biệt, phương tiện truyền thông đăng tải ảnh đã có những thay đổi mạnh mẽ với sự ra đời của internet và mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của mạng xã hội.

Tuy nhiên, dù có nhiều đổi thay về thiết bị, hay quan niệm về ảnh báo chí, hoặc vẫn còn những ý kiến trái chiều, nhưng để ảnh báo chí Việt Nam có thêm nhiều bức ảnh chất lượng thì vấn đề con người là yếu tố quan trọng. Cần tìm kiếm, đào tạo những phóng viên ảnh trung thực, năng động, nhiệt huyết; truyền dạy những kỹ năng tác nghiệp trong những điều kiện, môi trường khác nhau…

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí sử dụng ảnh cần có con mắt xanh về nghề, để gạt loại những bức ảnh báo chí kém chất lượng, ít thông tin. Ngoài ra, cần tổ chức thêm những cuộc thi ảnh báo chí với những giải thưởng hấp dẫn để “đánh thức tiềm lực” từ những phóng viên ảnh đang cầm máy tại nhiều cơ quan báo chí hiện nay.

Hà Anh
Nguồn: https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Anh-bao-chi-Trong-nguoi-lai-nghi-den-ta-i483481/

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam