Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
15/09/2020 16:21

75 năm Ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam: Những người đồng hành

Ký ức về những năm tháng chiến tranh của tôi luôn gắn bó với những người đồng nghiệp thông tấn trên những nẻo đường gian khó. Không chỉ những phóng viên chụp ảnh, làm tin, viết bài. Trong số ấy còn có những người lái xe và điện báo viên, những người làm những công việc thầm lặng...

"Không thể kể hết trong một bài viết nhỏ về những kỷ niệm trong hơn 40 năm làm nghề của tôi với những người lái xe và điện báo viên, kỹ thuật viên TTXVN - những người bạn đồng hành với các phóng viên thông tấn. Họ thực sự là các chiến sĩ quả cảm, ra trận, chịu nhiều hy sinh gian khó cùng các nhà báo. Nhưng sau các dòng tin, bài viết, tấm ảnh, không bao giờ ghi tên tuổi của họ. Nhiều người đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ trên các mặt trận. Những đóng góp hy sinh thầm lặng ấy rất lớn lao, tô thắm những trang sử vàng làm nên truyền thống 75 năm của TTXVN" – nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - nhận định.

Là phóng viên ảnh xông xáo trên các chiến trường, và là tác giả của bức ảnh lịch sử nổi tiếng Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, nhà báo Trần Mai Hưởng đã từng đồng hành với rất nhiều những chiến sỹ thông tấn thầm lặng – đó là các điện báo viên, nhân viên kỹ thuật, lái xe thông tấn. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TTXVN (15/9/1945 - 15/9/2020), và Thông tấn xã Giải phóng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Mai Hưởng. Bên cạnh đó là những hồi ức sống động của một người trong cuộc – nhà báo Nguyễn Đăng Lâm, nguyên Trưởng phân xã TTXVN tại Quảng Ngãi, một điện báo viên ở khu V trong kháng chiến chống Mỹ.

1. Ký ức về những năm tháng chiến tranh của tôi luôn gắn bó với những người đồng nghiệp thông tấn trên những nẻo đường gian khó. Không chỉ những phóng viên chụp ảnh, làm tin, viết bài. Trong số ấy còn có những người lái xe và điện báo viên, những người làm những công việc thầm lặng nhưng không có họ, các phóng viên không thể hoàn thành công việc của mình.

Chú thích ảnh

Phiên làm việc cuối cùng của tổ phóng viên mũi nhọn TTXVN trước khi tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Điện báo viên Lê Thái đang ngồi bên điện đài; lái xe Ngô Bình đang sửa xe. Ảnh: Đinh Quang Thành

Mùa Hè “đỏ lửa" 1972 ở Quảng Trị. Phân xã B Vĩnh Linh có nhiệm tác nghiệp bên bờ Nam khi cuộc Tổng tiến công nổ ra. Cơ sở của phân xã đóng trên một ngọn đồi không xa khu uỷ. Ngoài các phóng viên, gồm trưởng phân xã Phạm Hoạt, các nhà báo Lam Thanh, Minh Trường, Xuân Lâm, Hồ Bích Sơn, Phạm Tài Ngyên và tôi, phân xã có hai điện báo viên là Cù Yển Vũ và Ngô Duy Phùng. Anh Hữu Hồng, điện báo viên trước đó đã được điều ra Hà Nội vì lý do sức khoẻ. Phóng viên tác nghiệp bên kia sông Hiền Lương nhưng khi trở về hậu cứ, tất cả tin bài đều chuyển về tổng xã do điện đài 15W đặt ở đây.

Những ngày tháng vô cùng ác liệt. B52, pháo biển, bom toạ độ đánh suốt ngày đêm. Sử dụng điện đài ngày ấy rất nguy hiểm vì đối phương có thể dò và đánh vào địa điểm phát sóng. Nhưng không có sự lựa chọn khác. Điện đài đặt trong căn hầm nửa chìm nửa nổi. Dây Ăng-ten treo lên ngọn cây cao, hướng về phía bắc. Ngày hai phiên làm việc. Không có điện, khi liên lạc, anh em chia nhau quay tay, tạo nguồn điện cho máy hoạt động.

Cho đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh các anh Vũ và Phùng trong những ca làm việc ngay trong tầm pháo biển và bom Mỹ. Có những lúc máy bay đánh gần, phiên làm việc phải tạm ngưng rồi lại tiếp tục. Vũ là con trai Hà Nội, có cách gõ ma-níp nhẹ nhàng, tài hoa, thanh thoát. Phùng quê Thái Bình, làm việc rất cần mẫn, kiên trì, chắc chắn. Chúng tôi đều sống xa gia đình, ngủ hầm, tự tổ chức cuộc sống nơi tuyến lửa, chia sẻ mọi gian nan vất vả. Những năm tháng trẻ trung, đầm ấm tình người.

Chú thích ảnh

Các nhà báo Trương Đức Anh (ngồi, bên phải), Trần Mai Hưởng (đứng, bên trái) - hai cựu phóng viên cùng các điện báo viên tại mặt trận Quảng Trị 1972: Cù Yển Vũ (đứng, bên phải ), Ngô Duy Phùng (ngồi, bên trái ) trong một lần gặp gỡ gần đây tại Hà Nội

Cần nói thêm rằng, phía bờ Nam, ở phân xã Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) Quảng Trị do nhà báo Thanh Phong làm phân xã trưởng, cũng có điện đài. Hai điện báo viên là các anh Nguyễn Văn Ngạn và Vũ Văn Luận đều từ Hà Nội vào, thuộc khu uỷ Trị Thiên quản lý, đã nhiều năm bám trụ địa bàn, duy trì thông tin liên lạc trong điều kiện ác liệt. Trong biên chế phân xã Quảng Trị khi ấy còn có hai em người Vân Kiều là Hồ Nhân và Hồ Nghĩa làm nhiệm vụ quay máy phát điện cũng như một số công việc khác.

2. Trong năm 1972, ở phân xã B Vĩnh Linh có hai lái xe từ Hà Nội vào tăng cường từng thời gian là các anh Trương Đại Chiến và Nguyễn Văn Ngoạn. Các anh là những người đã đưa chúng tôi đi trên những cung đường thần chết luôn tình rập và quan trong hơn, là những người đã đưa phim ảnh ra Hà Nội kịp thời mỗi đợt công tác.

Ngày ấy, phim ảnh chỉ có cách duy nhất là chuyển bằng đường bộ. Việc đi lại trên những tuyến đường máy bay Mỹ liên tục đánh phá là vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Các anh Chiến và Ngoạn, bằng công việc của mình, đã thể hiện rõ tinh thần ấy.

Mùa xuân 1975. Đoàn cán bộ, phóng viên tăng cường cho mặt trận Trị Thiên - Huế có một số kỹ thuật viên và lái xe; trong số đó hai người để lại ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là lái xe Ngô Bình và điện báo viên Lê Thái.

Ngô Bình là người đã lái xe trong đêm đưa chúng tôi vào Huế giải phóng. Đến cầu Mỹ Chánh bị phá hỏng, chúng tôi đi đi bộ tiếp ngay trong đêm còn Bình một mình quay xe ra.

Lê Thái là người đã cùng các đồng nghiệp kịp thời chuyển về Hà Nội những bài viết của chúng tôi về Huế và Đà Nẵng giải phóng. Điều đáng nói hơn cả là sau đó, vào đầu tháng 4/75, tôi lại cùng Ngô Bình và Lê Thái tham gia vào “tổ mũi nhọn” do nhà báo Vũ Tạo làm tổ trưởng, theo sát bước chân thần tốc của cánh quân phía đông và ở trong nhóm báo chí đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/75.

Chú thích ảnh

Tổ phóng viên TTXVN đi theo Quân đoàn 4 quân tình nguyện VN vào giải phóng thủ đô Phnom Pênh.Từ trái sang: Lái xe Phạm Văn Thu, một cán bộ QĐ4, nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhà báo Trần Mai Hưởng. Ảnh do nhà báo Lê Cương chụp sáng 8/1/1979 trước Hoàng Cung ở Phnom Pênh

Không thể kể hết những vất vả gian nan trong những ngày cuối cùng của chiến tranh khi chúng tôi vừa hành quân, vừa tác nghiệp trong những điều kiện hết sức khó khăn. Nhưng với sự giúp đỡ của các nhà báo đàn anh trong tổ - Lâm Hồng Long , Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm - các thanh niên trẻ chúng tôi đã vươn lên làm tốt công việc của mình. Bình lo bảo dưỡng, sửa chữa xe, bảo đảm chạy xe an toàn và theo kịp đội hình, trong đó có những thời khắc chiến sự ác liệt như khi theo đội hình thọc sâu tiến vào trung tâm Sài Gòn. Lê Thái thì bằng mọi khả năng của mình giữ liên lạc với Hà Nội, chuyển tin bài kịp thời trong suốt chuyến đi, vì khoảng cách ngày càng xa, liên lạc khó khăn hơn, kể cả việc trèo lên cao treo Ăng-ten ngay trong tầm đạn pháo... Đối với lái xe Ngô Bình, mùa Xuân 1975 càng đặc biệt hơn khi anh gặp được cha mình là trung đoàn trưởng trung đoàn pháo binh Biên Hoà của quân giải phóng.Một cuộc gặp mặt rất nhiều ý nghĩa.

3. Những ngày làm phóng viên tại chiến trường Campchia, người lái xe để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất là Phạm Văn Thu. Đầu tháng 12/78, tổ phóng viên đi theo mũi tiến công của các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam Quân đoàn 4 có nhà báo Lê Cương, tôi và lái xe Phạm Văn Thu. Chúng tôi đã theo sát các trận đánh, chịu nhiều hiểm nguy để có mặt ở thủ đô Phnom Pênh đúng ngày 7/1/79, sau đó quay về TP.HCM để kịp thời phát thông tin, hình ảnh về sự kiện lịch sử này.

Sau giải phóng Phnom Pênh, tôi và Phạm Văn Thu còn có thời gian thường trú ở Quân đoàn 4 cùng các nhà báo Vũ Tâm, Bùi Tiến Lợi suốt mùa khô năm ấy,qua nhiều vùng chiến sự quân Pol Pot còn rình rập, chia sẻ cùng nhau nhiều khó khăn nguy hiểm. Sau này, Phạm Văn Thu chuyển sang cơ quan khác, nhưng tình nghĩa những ngày tháng ấy vẫn gắn bó thân thiết. Tiếc rằng Phạm Văn Thu lâm trọng bệnh, qua đời hai năm trước đây, sau khi tôi cùng các đồng nghiệp ở đội xe TTXVN đến thăm anh ít ngày.

Không thể kể hết trong một bài viết nhỏ về những kỷ niệm trong hơn 40 năm làm nghề của tôi với những người lái xe và điện báo viên, kỹ thuật viên TTXVN- những người bạn đồng hành với các phóng viên thông tấn.

Nguồn: thethaovanhoa.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam