Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
19/11/2020 09:27

Tôn vinh sức sống và giá trị của những ấn phẩm báo chí đầu tiên

Ngày 18/11/2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề "Báo chí Việt Nam 1865-2020: Những ấn phẩm đầu tiên", nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Di sản Việt Nam và Chào mừng Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại diện chính thức, vẻ vang cho một cơ quan hay một thương hiệu báo chí

Các nhà báo, các nhà sưu tầm, nghiên cứu tham quan và chiêm ngưỡng các ấn phẩm báo chí số 1 được trưng bày. Ảnh Sơn Hải

Các nhà báo, các nhà sưu tầm, nghiên cứu tham quan và chiêm ngưỡng các ấn phẩm báo chí số 1 được trưng bày. Ảnh Sơn Hải

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa khẳng định: Sưu tầm những tờ báo có tuổi đời trên 100 năm, trên 50 năm, 20 năm, 10 năm, thậm chí mới chỉ cách đây vài ba năm… đều không dễ. Và sưu tầm những tờ báo, tạp chí số 1, những số đầu tiên – những ấn phẩm gắn với sự mở đầu, sự sinh thành và phát triển của một cơ quan báo chí, càng khó. Nhiệm vụ ấy, những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sớm xác định được ngay từ khi mới ra đời. Và đây chính là thành quả đầu tiên được tập hợp, nghiên cứu, phân loại và giới thiệu, lần đầu tiên đến với công chúng, đồng nghiệp. Tâm huyết, nỗ lực để có được bộ sưu tập quý “Những ấn phẩm báo chí đầu tiên” đã thành hiện thực, với 111 ấn phẩm, gồm 99% các tờ báo và tạp chí số 1, 80% là bản gốc.

Các nhà báo, các nhà nghiên cứu, sưu tầm quan tâm và tham gia buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Các nhà báo, các nhà nghiên cứu, sưu tầm quan tâm và tham gia buổi lễ. Ảnh: Sơn Hải

Có thể nói, cùng với thời gian, những từ báo, tạp chí đầu tiên, trong đó  phải nhắc đến trước hết là những tờ số 1, luôn chịu nhiều áp lực nhất. Áp lực của một ấn phẩm chính thức xuất hiện, hồi hộp đến với công chúng bạn đọc, cũng là ấn phẩm chịu nhiều sự soi mói, phán xét nhất từ nhiều phía. Áp lực do thời gian mang đến nhiều hơn so với các số ra sau nó. Và cũng là tờ mà càng về sau, thường được các giới quan tâm như giới sưu tầm lùng sục nhìều nhất. 

Nói đến số 1 cũng là nói đến số phận, vai trò, dấu ấn mà một ấn phẩm, một thương hiệu báo chí có thể tạo dựng. Báo chí dù ở đâu, thời kỳ nào, thì việc cạnh tranh sinh tử về chất lượng bài vở, số lượng phát hành, những áp lực cơm áo gạo tiền và đồng nhuận bút khiêm tốn đều ít nhiều ảnh hưởng nhất định đến tuổi thọ ngắn hay dài, từ đó để lại dấu ấn mờ nhạt hay sâu đậm trong đời sống đương đại…

Giám đốc bảo tàng báo chí Việt nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Sơn Hải

Giám đốc bảo tàng báo chí Việt nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Sơn Hải

“Vì thế, tại cuộc Trưng bày hôm nay, chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của những từ báo và tạp chí đầu tiên, hầu hết đều sờn cũ, bạc màu thời gian, và đứng trước nguy cơ bị nát hỏng. Phần lớn rất giản dị, khiêm tốn, có cả tờ viết tay và in thủ công mộc mạc. Nhưng đó chính là những ấn phẩm quý giá, là đại diện chính thức, vẻ vang cho cả một cơ quan hay một thương hiệu báo chí ngay từ khi nó ra đời cho đến khi dừng lại ở số cuối cùng; một số tờ, cho đến hôm nay vẫn ở vị trí quan trọng trong đời sống báo chí nước nhà, như tờ Nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao động, Tiền phong....”, nhà báo Kim Hoa nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi tiếp nhận Báo sự thật số 1 từ nhà sưu tầm Hà Huy Chiến. Ảnh: Sơn Hải

Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi tiếp nhận Báo sự thật số 1 từ nhà sưu tầm Hà Huy Chiến. Ảnh: Sơn Hải

Tại buổi Tọa đàm đã có nhiều tham luận ý kiến, đặc biệt là ý kiến của nhà báo lão thành Phan Quang, nhà báo Lê Quốc Trung, nhà báo Hữu Ước cùng các nhà nghiên cứu, các diễn giả, nhà báo đề cập đến quá trình hình thành, phát triển của báo chí Việt Nam thông qua những ấn phẩm báo chí đầu tiên được xuất bản qua các thời kỳ và vị trí, vai trò của các ấn phẩm đó trong từng ngành, từng lĩnh vực và trong dòng chảy của lịch sử báo chí Việt Nam.

Theo đó, ra đời và phát triển trong điều kiện đặc thù, báo chí Việt Nam từ năm 1865 đến 1975 luôn đồng thời tồn tại nhiều dòng khác nhau; có dòng là công cụ tuyên truyền trực tiếp của nhà cầm quyền; có dòng chuyên sâu vào các ngành nghề, lĩnh vực, phục vụ các nhu cầu hưởng thụ của đối tượng công chúng khác nhau… Từ năm 1925, báo chí cách mạng ra đời và trở thành dòng báo chí chủ đạo, mang sức mạnh bất khuất, quật cường của một dân tộc chưa từng chịu cúi đầu trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào, đã góp phần nhân lên sức mạnh của một nền văn hóa giàu tính nhân bản, giàu khả năng hội nhập.

Ra đời và tồn tại trong điều kiện bị đe đọa bởi những tác động của chiến tranh, sự chìm lấp bởi những lớp bụi thời gian...Bản thân sự đa dạng, phức tạp, khó khăn trong việc lưu giữ, phân loại, tập hợp, hệ thống và đánh giá về những tờ báo, tạp chí có vị trí khai lập này trong lịch sử nghề báo lâu nay hầu như chưa được khai thác, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Khai trương trưng bày chuyên đề với 111 tờ báo gốc là những ấn phẩm đầu tiên trên 20 bục đứng, trưng bày trên bục tròn đỏ và trưng bày trong tủ như: Gia Định Báo, Thông Loại Khóa Trình, Tạp chí Công hội Đỏ, Sự thật, Nhân Dân, Quân đội nhân dân…

Tuy vậy, nhà báo Kim Hoa cũng cho rằng: Suốt 155 năm qua, hàng ngàn ấn phẩm báo chí số 1, số ra mắt, số đầu tiên liên tục nối tiếp nhau ra đời và đến với công chúng, từng bước kiến tạo một cách bền bỉ, oanh liệt, rạng ngời nền báo chí Việt Nam đặc sắc sánh với các nền báo chí ra đời sớm và đi trước trên thế giới và khu vực. Tiếp thu tinh thần đó, với một nỗ lực không ngừng, từ năm 2014 đến cuối năm 2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sưu tầm được gần 30 nghìn hiện vật; trong đó có hàng trăm tờ báo và tạp chí số 1 xuất bản từ năm 1865 đến năm 2020. Con số này còn rất nhỏ bé, nhưng bước đầu cũng đủ nói lên theo cách riêng của mình những bước đi, những thời khắc, những dấu son của lịch sử báo chí, lịch sử đất nước và con người Việt Nam.

Cuộc trưng bày các tờ báo, tạp chí số 1 lần thứ nhất nhằm giới thiệu một số tư liệu quý hiếm; thể hiện quyết tâm của Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong việc hướng tới một bộ sưu tập càng ngày càng trọn vẹn hơn những ấn phẩm đầu tiên, cũng như các hiện vật, tư liệu có giá trị khác, nhằm khắc họa ngày một đầy đủ diện mạo của lịch sử báo chí nước nhà.  

Một sự gợi mở và kỳ vọng

Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa tiếp nhận Tờ Vui sống số 1. Ảnh Sơn Hải

Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa tiếp nhận Tờ Vui sống số 1. Ảnh Sơn Hải

Cũng theo Ban tổ chức, ấn phẩm báo chí số đầu tiên, số ra mắt thường được chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, có Lời ra mắt, Lời phi lộ, Thư gửi bạn đọc... được đắn đo, chọn lọc từng câu từng chữ, cho thấy tầm quan trọng của sự khởi đầu.

Nhà báo Kim Hoa cho biết: Ngay trong khuôn khổ cuộc trưng bày này, Ban Tổ chức đã có sáng kiến tập hợp thành một album gồm những bản chụp Lời nói đầu (Lời ra mắt, Phi lộ, Bố cáo…) của các tờ báo, tạp chí số đầu tiên để phục vụ các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các nhà giáo và sinh viên báo chí. Hy vọng mọi nỗ lực sẽ giúp chúng ta hiểu hơn, tin hơn, tự hào hơn về tinh thần, ý chí, ý nguyện và trách nhiệm cũng như tài năng và thành tựu nghề nghiệp của các thế hệ nhà báo, của cha ông ta và chính chúng ta hôm nay.

Trong tham luận của TS Nguyễn Thu Hiền - cán bộ bảo tàng báo chí Việt Nam cũng cung cấp thêm  thông tin về “câu chuyện” của những lời ra mắt rất nhiều điều thú vị.  Thông qua lời ra mắt có thể cho ta biết về, tôn chỉ, mục đích, phương châm hoạt động. Nhiều ấn phẩm cho ta biết cơ quan chủ quản, nguồn gốc xuất thân từ báo của nhà nước hay tư nhân; hoàn cảnh ra đời và có khi là cây bút tiêu biểu, tên tuổi trong làng báo chí... Cuối lời ra mắt thường có lời cảm ơn, lời cảm thông hay là lời kêu gọi các độc giả đóng góp ý kiến, gửi bài. Đề cao vai trò của độc giả là một trong những sách lược, chiến lược của các ấn phẩm báo chí và nó được trân trọng gửi gắm ngay trong lời ra mắt. Bởi độc giả chính là người thẩm định, quyết định sự phát triển, tồn hay vong của ấn phẩm báo chí đó (trừ một số ấn phẩm phục vụ cho mục đích cách mạng do chính quyền đàn áp mạnh nên bị cấm xuất bản).   

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Sơn Hải

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Sơn Hải

“Tóm lại, những ấn phẩm đầu tiên thực sự có giá trị, và những lời ra mắt được thể hiện trong đó chính là hồn cốt của ấn phẩm đó. Từ nguồn cơ sở hiện vật ít ỏi, bước đầu chúng tôi chỉ có thể đưa ra một vài ý kiến về những ấn phẩm đầu tiên thông qua lời ra mắt. Trưng bày và tọa đàm về Những ấn phẩm đầu tiên lần này như một sự gợi mở và kỳ vọng chúng tôi sẽ có thêm nhiều ấn phẩm tiếp theo, để bổ sung và hoàn thiện, đủ đầy hơn để có cái nhìn khái quát, toàn diện hơn khi nhận diện về báo chí trong lịch sử và vai trò, đóng góp của báo chí đối với sự phát triển văn hóa dân tộc” - TS Nguyễn Thu Hiền khẳng  định.

Ban Tổ chức cũng mong rằng, từ cuộc triển lãm này, các nhà báo, gia đình nhà báo, các nhà sưu tầm…sẽ đồng hành cùng Bảo tàng Báo chí Việt Nam để tiếp tục đi đến những cuộc trưng bày, giới thiệu di sản báo chí Việt Nam và thế giới, phong phú, hấp dẫn và bổ ích hơn.  Trong khuôn khổ buổi lễ, BTC cũng tiếp nhận một số hiện vật từ 3 nhà sưu tầm là Hà Huy Chiến, Nguyễn Phi Dũng và Tạ Thu Phong hiến tặng các ấn phẩm số 1 của tờ Sự thật, Vui sống, Tin Giáo dục và nhiều báo, tạp chí khác...
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi khẳng định: Được dự buổi sinh hoạt như thế này càng thấy rằng chúng ta thành lập và khai trương bảo tàng báo chí Việt Nam là hết sức có ý nghĩa. Và một sự kiện như ngày hôm nay thì chúng ta không chỉ thấy lịch sử của báo chí. Cha ông của chúng ta qua các thế hệ đã làm báo như thế nào mà chúng ta còn thấy dòng chảy lịch sử trong văn hóa và đời sống tinh thần của Việt Nam chúng ta qua các giai đoạn lịch sử, thật sự là hết sức xúc động.Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN cũng đề nghị, Bảo tàng báo chí tiếp tục sưu tầm những ấn phẩm quan trọng mà chúng ta đang thiếu để những ấn phẩm đó tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh, để chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn về gương mặt báo chí qua các thời kỳ lịch sử, và làm sao để những hiện vật trưng bày như thế này phát huy tác dụng, không chỉ với những người làm báo mà công chúng báo chí cũng có thể tiếp nhận, để từ đó có thể tự hào về nền báo chí của Việt Nam chúng ta...
 

Giám đốc Bảo tàng báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa cho biết: Rất may mắn rằng, cuộc Tọa đàm và Trưng bày này, đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều tập thể và cá nhân, như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Thư viện Hà Nội, nhiều nhà báo và gia đình nhà báo, cùng một số nhà sưu tầm… nhờ vậy mà phong phú hơn về nội dung, chủng loại, đầu báo, chất lượng.  Chúng tôi rất tin tưởng rằng, bộ sưu tập dù chưa đầy đủ Những ấn phẩm báo chí đầu tiên sẽ gây được ấn tượng đặc biệt bởi những câu chuyện sinh động về những người trực  tiếp làm ra những số báo đó cũng như những lát cắt thú vị về lịch sử nghề báo ở Việt Nam, gắn với thời điểm ra mắt, nội dung bài vở, khuôn khổ, kỹ thuật in v.v...

Nguồn: congluan.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam