Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
19/07/2024 13:30

MÀU KÝ ỨC

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTT&DL phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức chương trình Giao lưu - Tọa đàm Tri ân các Nhà báo-Liệt sĩ với chủ đề "Màu ký ức".
Sáng 19/7, tọa đàm "Màu ký ức" tri ân các Nhà báo-Liệt sĩ tận hiến cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTT&DL phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức buổi tham quan, giao lưu, tọa đàm.
 
 

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, ông Phan Thanh Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTT&DL, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hoá tôn vinh các thế hệ người làm báo Việt Nam, với vai trò là những thư ký của thời đại, trong gần một thế kỷ qua, đã cùng nhau viết nên những trang sử đầy tự hào của nền báo chí cách mạng nước nhà.

"Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa tới thế hệ những người cầm bút hôm nay. Màu ký ức có sắc đỏ của máu cha ông đã hi sinh và cống hiến. Màu ký ức có màu xanh hi vọng, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho thế hệ trẻ, trong đó có những người làm báo đương đại. Màu ký ức cũng là sự tôn vinh những hi sinh bất khuất của các nhà báo, phóng viên chiến trường đã tận hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam", ông Phan Thanh Nam bày tỏ.
 
Ông Phan Thanh Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTT&DL, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hoá
phát biểu khai mạc.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam - ngôi nhà di sản của các thế hệ người làm báo, nơi lưu giữ và trưng bày trên 35 ngàn tài liệu, hiện vật qua các thời kỳ. Từ khi thành lập đến nay, nơi đây đã trở thành điểm đến có sức hút với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng đông đảo các thế hệ người làm báo, công chúng trên cả nước.

Bà Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, có những tài liệu, hiện vật đã nhuốm màu thời gian, là ký ức vĩnh cửu về những thế hệ nhà báo đầu tiên của nền báo chí Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều tài liệu, hiện vật của những nhà báo-chiến sĩ đã từng xông pha chiến trường, giữa mưa bom bão đạn, những người đã đổ máu, đã hi sinh trên con đường đưa thông tin, hình ảnh đến với đồng bào. Mỗi cán bộ Bảo tàng đều thấm thía rằng, gia tài vô giá mà các thế hệ làm báo đi trước để lại đang mai một từng ngày, nếu không kịp thời, sẽ không thể lưu lại.

"Điểm nhấn đặc biệt trong không gian trưng bày của Bảo tàng chính là khu tưởng niệm các nhà báo - liệt sĩ, nơi chúng ta trân trọng, tri ân và tưởng nhớ những cây bút dũng cảm đã không tiếc máu xương, chẳng quản ngại hi sinh để dấn thân và cống hiến, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc, tự hào cho sự phát triển của nền báo chí dân tộc. Khu tưởng niệm được thiết kế với các vách kính ghép lại với nhau cùng tông màu đỏ chủ đạo, có khắc tên và cơ quan của các nhà báo liệt sĩ từ trước năm 1945 đến nay", bà Trần Thị Kim Hoa xúc động chia sẻ.
 
Bà Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trong chương trình, những ký ức tự hào được các diễn giả, khách mời chia sẻ.

Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An - người đã dành 15 năm tìm danh tính 511 đồng nghiệp là liệt sĩ. Ông cũng được biết đến với bài thơ "Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh".

Tọa đàm cùng lắng nghe, trò chuyện với gia đình Nhà báo-Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ - liệt sĩ hi sinh năm 1972 ở Quảng Trị, đại diện là PGS.TS. Phan Tam Đồng.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhắc về câu chuyện của những người đồng đội cầm súng làm báo.
 
Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An,
nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An.
 
PGS.TS. Phan Tam Đồng.
 
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam,
Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, gia đình Nhà báo-Liệt sĩ Phan Tứ Kỷ đã hiến tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 01 sổ ghi chép, một số tư liệu ảnh và 05 cuốn sách: "Thư chiến trường và những tấm hình có lửa"; nhà báo Trần Văn Hiền hiến tặng Bảo tàng 02 cuốn sách "Nguyễn Ái Quốc - Nhà báo không thẻ" và "Dáng đứng dưới tầm bom"; Liên Chi hội Nhà báo Bộ VHTT&DL tặng các ấn phẩm của Báo Văn hóa, Báo Điện tử Tổ Quốc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; nhà báo Hồ Quang Lợi tặng sách “Người trên đường đời”.
 
 
 
 
 
 
 

*Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm
 
 
 
 
 
 

*Một số hình ảnh đại biểu, khách mời dự tọa đàm tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam
 
 
 
   
 
 
 
 
   
 
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam