Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
27/06/2017 13:26

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Phát huy giá trị di sản báo chí

(Theo daidoanket.vn)
Dự kiến vào đầu năm 2018, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động với trụ sở tại Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội). PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Trưởng ban quản lý các dự án thành phần Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam về hành trình đi thu thập di sản của những người làm báo.

PV: Thưa bà, Đề án thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014. Nhưng phải sau gần 4 năm, Bảo tàng mới dự kiến đi vào hoạt động. Trên hành trình chắc hẳn có rất nhiều kỷ niệm?

Bà Trần Thị Kim Hoa: Có thể nói từ khi khởi động dự án chúng tôi đứng trước một núi công việc, khi tất cả đều chỉ quen làm báo và hoàn toàn xa lạ với nghiệp vụ bảo tàng. Thậm chí, mọi chuẩn bị của Hội Nhà báo diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn không có ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, chúng đã may mắn bởi rất nhiều nhà báo, nhà sưu tập và độc giả đã gửi những hiện vật đặc biệt của mình. Sau gần 3 năm, tổng số hiện vật, tư liệu mà chúng tôi tiếp nhận được đã là hơn 1,4 vạn. Đây là một con số bất ngờ với cả người trong cuộc, nhưng là một kết quả tuyệt vời và xứng đáng.

Ngoài ra, một trong các cơ sở quan trọng để Bộ VHTT&DL xác nhận Bảo tàng Báo chí Việt Nam đủ tiêu chuẩn thành lập theo luật định. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cũng đã ký tờ trình và gửi hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định thành lập Bảo tàng trong thời gian tới đây.

Được giao một nhiệm vụ phải nói là “tay ngang”, có lẽ bản thân bà đã gặp không ít những khó khăn?

- Được giao việc cũng phải suy nghĩ nhiều lắm. Mình thạo làm báo, nay chuyển sang làm Bảo tàng, phải học. Khi tiếp cận với tư liệu, hiện vật gắn liền với những câu chuyện đời, chuyện nghề, với sự sống, cái chết, mồ hôi, nước mắt của những người làm báo thế hệ trước, chúng tôi thực sự bị cuốn hút và càng thấy rõ ý nghĩa những việc mình làm.

Đợt tổ chức phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chỉ trong một tuần, chúng tôi thu nhận hơn 4.000 hiện vật, tài liệu. Kết quả đó chỉ có được nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo các nhà báo, cơ quan báo chí, cộng tác viên và công chúng báo chí.

Với hơn 1,4 vạn hiện vật đã được tiếp nhận, hẳn quanh đó là những câu chuyện, ấn tượng sâu sắc với những người được giao nhiệm vụ làm bảo tàng?

- Có thể nói, mỗi hiện vật, tư liệu chứa đựng câu chuyện riêng, chứa chan tình cảm yêu mến mà các nhà báo, thân nhân của họ đã tin cậy trao gửi. Điển hình, ngay từ những ngày đầu tiên của dự án, nhà báo - nhà sử học Nguyễn Văn Khoan (nguyên Giám đốc Bảo tàng Thông tin) đã tìm tới phía tổ chức để tự nguyện tư vấn về công tác sưu tập tài liệu.

Kèm theo, nhà báo này cũng tặng bảo tàng nhiều hiện vật giá trị, trong đó có lá thư của Tản Đà (trên cương vị chủ bút tờ tạp chí An Nam) gửi cho chủ bút một tờ báo tại Pháp với đề nghị hợp tác về nội dung.

Hoặc, để Bảo tàng tương lai có được một chiếc máy chữ cùng loại với chiếc máy chữ mà Bác Hồ thường sử dụng trong thập niên 1950, ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Chủ tịch Hội Việt kiều tại Pháp, đã chủ động sưu tầm và tặng Hội Nhà báo chiếc máy đánh chữ.

Tuy nhiên, để lại ấn tượng về hiện vật sưu tầm với tôi là Bản Tuyên ngôn của các đại biểu đã thoát ly hội tịch ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam thanh niên cách mệnh (tức là Việt Nam Cách mệnh đồng chí Hội) ngày 1/6/1929 in li tô (in trên đá) với kích thước 21,5 x 31,5 cm do nhà báo Hồng Chương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản lưu giữ tại gia đình.

Xin bà cho biết, trong thời gian tới Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ có những kế hoạch cụ thể nào để phát huy hết giá trị di sản của những người làm báo?

- Ngay từ khi khởi động Đề án chúng tôi cũng đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu, mở rộng phạm vi hoạt động. Nhờ vậy, trên cơ sở các tư liệu, hiện vật được hiến tặng, cùng với sự hỗ trợ từ nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tàng, thư viện, chúng tôi đã tổ chức được 3 cuộc triển lãm chuyên đề về báo chí, gồm Triển lãm “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, “Báo chí dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng”, “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ”, tái hiện một phần lịch sử vẻ vang của báo chí nước nhà...

Chúng tôi tin rằng, sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Bảo tàng sẽ có nhiều cơ hội triển khai những triển lãm chuyên đề như thế, góp phần đem đến cho công chúng những cảm nhận sống động từ những di sản báo chí Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn bà!
 

Minh Sơn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam