Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
10/06/2017 03:27

Bảo tàng Báo chí phải “kể” được những câu chuyện hay, chân thực về nghề báo

Là người có đóng góp lớn trong việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trở thành một trong những bảo tàng hấp dẫn và năng động nhất hiện nay ở Việt Nam và lọt top 25 bảo tàng được khách tham quan lựa chọn hấp dẫn
Là người có đóng góp lớn trong việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trở thành một trong những bảo tàng hấp dẫn và năng động nhất hiện nay ở Việt Nam và lọt top 25 bảo tàng được khách tham quan lựa chọn hấp dẫn nhất châu Á, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy hiện vẫn tiếp tục gắn bó với lĩnh vực chuyện môn này với vị trí Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trò chuyện với ông.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ảnh: Báo Thể Thao Văn Hóa
Đánh giá của PGS.TS về thực trạng bảo tàng hiện nay ở Việt Nam?
Hiện nay, những bảo tàng đông khách chỉ đếm được trên đầu ngón tay như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Phòng không - Không quân hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... phần lớn còn lại đều rơi vào tình trạng vắng khách. Bởi lẽ, trong một thời gian dài, nhiều bảo tàng ở nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội vì sản phẩm đưa ra không hấp dẫn được công chúng. Việc trưng bày, giới thiệu thiếu chuyên nghiệp, chất lượng kém, đầu tư không tốt, không đáp ứng được nhu cầu của bảo tàng. Hoặc cũng có chỗ được đầu tư nhiều nhưng lại không hiệu quả. Đội ngũ, nguồn nhân lực làm bảo tàng về chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao, chưa đạt chất lượng tốt vì công việc ở bảo tàng rất đa dạng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngay việc giáo dục bảo tàng cũng cần được coi là một nghề riêng, cần được đào tạo một cách chuyên sâu mới có thể làm tốt được.
Một tín hiệu đáng mừng là bảo tàng Việt Nam hiện nay có một cơ hội để làm tốt bởi Nhà nước đang chú trọng vấn đề phát huy các giá trị di sản và đầu tư xây dựng các bảo tàng, từ đó thúc đẩy du lịch phát triển. Nếu như các nhà lãnh đạo văn hóa, bảo tàng không nắm lấy cơ hội thì sẽ mất một thời cơ. Thực tế cho thấy bảo tàng là một trong những điểm tham quan cần thiết của du khách quốc tế khi viếng thăm một đất nước hay tìm hiểu một thành phố trên đất nước đó. Nhiều bảo tàng được Nhà nước tập trung đầu tư rất lớn  như: Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Quân sự Việt Nam. Gần đây nhất, Bảo tàng Quảng Ninh cũng được đầu tư với số vốn lớn và hình thức kiến trúc của tòa nhà được nhiều người đánh giá là đẹp nhất hiện nay.
Theo ông, những xu hướng nào được chú trọng nhất của bảo tàng thế giới hiện nay?
Thứ nhất là tính chuyên nghiệp, hiện đại ngày càng được nâng cao. Điều đó thể hiện ở việc họ luôn cập nhật các công nghệ mới, đầu tư rất lớn trong việc xây dựng và phát triển bảo tàng. Và đặc biệt, bảo tàng không chỉ được Nhà nước mà còn được cả xã hội coi trọng và đầu tư. Ở nước ngoài, có rất nhiều quỹ tài trợ với số tiền lớn cho bảo tàng. Đó là điều kiện đặc biệt quan trọng để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất. Và nếu có sản phẩm chất lượng tốt thì bảo tàng mới hấp dẫn và thu hút được số lượng lớn du khách.
 Thứ hai là xu hướng bảo tàng mở. Có nghĩa rằng bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu mà còn là nơi để giao lưu, là điểm đến để trao đổi, đối thoại về các vấn đề trong cuộc sống và xã hội. Chính điều này tạo nên sự sinh động, đa dạng của bảo tàng trong xu thế hội nhập và phát triển.
 Thứ ba là xu hướng gắn liền với cộng đồng. Có thể là cộng đồng tại nơi đó, học sinh, cư dân tại chỗ hay các dân tộc thiểu số hoặc nhóm thiệt thòi trong xã hội đều có thể được tham gia và có vai trò trong các câu chuyện ở bảo tàng. Và trong nhiều trường hợp chính cộng đồng là người quyết định nội dung, định hướng của một cuộc trưng bày nào đó trong bảo tàng.
 Thứ tư là xu hướng đặc biệt chú ý câu chuyện và các vấn đề đương đại. Mọi vấn đề mang tính thời sự được cập nhật để tạo nên tính tương tác của bảo tàng trong dòng chảy của xã hội hiện đại. Người ta cố gắng kết nối quá khứ với những vấn đề đương đại mà cộng đồng quan tâm. Có thể lấy ví dụ: một số bảo tàng ở Thụy Điển trưng bày các vấn đề nóng bỏng về lưỡng giới như: đồng tính, hôn nhân đồng giới,... gắn với những bộ sưu tập vốn có trong các bảo tàng nhưng chưa được khai thác ở khía cạnh đó để xem những phản ứng của dư luận. Cần nhớ rằng, bảo tàng không phải là một chỉnh thể tách rời, độc lập với xã hội mà luôn gắn với xã hội, đáp ứng các yêu cầu của xã hội và có vai trò phản biện xã hội bằng nhiều phương tiện trưng bày kết hợp như: phỏng vấn, video, hình ảnh, hiện vật... để đem lại hiệu quả cao nhất.
Thế giới hiện có khá nhiều bảo tàng, nhưng bảo tàng báo chí chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn và nổi bật là Bảo tàng Báo chí Mỹ. Ấn tượng của ông về bảo tàng này?
Bảo tàng báo chí ở Mỹ với tên gọi Newseum, nên dịch là Bảo tàng Tin. Có thể coi đây là một sản phẩm của thời đại bởi việc trưng bày và tổ chức rất chuyên nghiệp theo chiều dài của lịch sử từ quá khứ cho đến đương đại về công các thông tin, truyền tin và báo chí.
Biểu tượng đầu tiên đập vào mắt du khách khi đặt chân đến đây là một chiếc máy bay trực thăng treo trên trần nhà. Chỉ riêng hình ảnh đó đã truyền tải một thông điệp vô cùng sâu sắc và ý nghĩa: tính thời sự và hiện đại của báo chí. Nhà báo đi bằng máy bay trực thăng để lấy thông tin ở những chỗ nóng bỏng nhất, nguy hiểm nhất. Có nghĩa là thông tin hàng ngày, hàng giờ phải được truyền tải với tốc độ nhanh nhất đến với bạn đọc.
Điểm thú vị là mọi câu chuyện về nghề đều được kể theo tuyến trục lịch sử từ quá khứ cho đến hiện tại thuộc các lĩnh vực khác nhau như báo viết, báo nói, báo hình và báo mạng. Từ đó, bạn có thể dễ dàng hình dung lịch sử báo chí cũng như qui trình ra đời một tác phẩm báo chí. Tất cả các vấn đề liên quan đến báo chí đều được đề cập đến như: Ai là người thông tin đầu tiên? Nhà báo chụp ảnh như thế nào? Phóng viên tác nghiệp ra sao? Hay câu chuyện của những phóng viên tử nạn trong quá trình điều tra, tác nghiệp là ai?... Có thể nói đây là một bảo tàng cực kỳ hiện đại với sự đầu tư một cách công phu, chuyên nghiệp tạo nên ấn tượng và sự thu hút người xem khi đặt chân tới đây.
Tháng 07.2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý chủ trương đưa Bảo tàng Báo chí Việt Nam vào quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng quốc gia. Rất nhiều việc cần làm để có một Bảo tàng Báo chí như mong muốn, ý kiến của ông về vấn đề này?
Trước hết, để xây dựng và phát triển bảo tàng một cách hiệu quả, cần có sự đầu tư lớn từ tiềm lực tài chính cho đến nhân sự làm bảo tàng. Bảo tàng phải có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp với đủ các thành phần về các lĩnh vực khác nhau bởi nếu không có nguồn nhân lực giỏi thì việc làm tốt quả là rất khó.
Bên cạnh đó, phải có tư liệu, hiện vật đa dạng, phong phú và giàu ý nghĩa. Bảo tàng Báo chí nên cố gắng tập trung sưu tầm thật nhiều các hiện vật có giá trị ở các lĩnh vực khác nhau liên quan đến báo chí để trưng bày, giới thiệu. Việc đầu tư cho thiết kế từ hình dáng bên ngoài cho đến cấu trúc bên trong cũng cần phải được chú trọng.
Theo tôi, để vận hành tốt Bảo tàng Báo chí cần có một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu, tìm hiểu trong thời gian ít nhất là 10 năm. Bởi thế, tôi nghĩ, vấn đề Bảo tàng Báo chí tuy là vấn đề cấp bách, khẩn trương nhưng đặc biệt không được vội vàng; không thể chỉ 2-3 năm là cho ra đời bảo tàng trong khi việc sưu tầm hiện vật chỉ vừa mới khởi động, khi những ý tưởng nội dung cho bảo tàng này còn chưa rõ ràng.
Nếu là “kiến trúc sư” phần nội dung trưng bày Bảo tàng này, ông sẽ bắt đầu như thế nào?
Tôi thấy nên trưng bày bảo tàng Báo chí Việt Nam theo định hướng chiều dài lịch sử của báo chí Việt Nam để trả lời các câu hỏi: Báo chí xuất hiện tại Việt Nam từ khi nào? Tờ báo đầu tiên xuất bản vào năm nào? Và trải qua chặng đường lịch sử, báo chí Việt Nam phát triển ra sao? Khi nào có báo nói? Khi nào có báo hình? Khi nào có báo mạng? Hay nói cách khác bảo tàng nên kể câu chuyện về quá trình phát triển của từng loại hình báo chí theo chiều dài lịch sử với những câu chuyện cụ thể của con người cụ thể.
Bảo tàng báo chí phải kể được câu chuyện của báo chí trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất tin bài, maquette, in ấn cho đến khi ra đời một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh, từ những vấn đề kỹ thuật cho đến những tác nghiệp của phóng viên ở những lĩnh vực và những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Có như thế, người xem mới có thể hình dung một cách cụ thể và bao quát nhất về lĩnh vực báo chí, mới thấy được giá trị của báo chí trong đời sống xã hội.
Những “bí quyết” làm bảo tàng của thế giới mà chúng ta cần tham khảo, thưa ông?
Trước hết là phải định hướng mục tiêu và đối tượng của bảo tàng; phải xây dựng được nội dung của bảo tàng gắn với những hiện vật cần trưng bày; phải đổi mới tư duy trong vấn đề làm bảo tàng để xây dựng những câu chuyện thực sự sinh động, hấp dẫn người xem; phải có đội ngũ nhân lực giỏi, nhiệt tình, không trục lợi để xây dựng những giá trị cơ bản nhất của bảo tàng; phải có sự hợp tác quốc tế trong vấn đề giao lưu, hội nhập để học hỏi sự tiến bộ của các nước trên thế giới trong việc xây dựng bảo tàng. Và tiếp theo là cách thức tổ chức bộ máy làm bảo tàng phải khoa học, chuyên nghiệp để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Có ý kiến cho rằng: mỗi bảo tàng nên có một “di sản độc đáo”. Theo ông, “di sản độc đáo” của Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là gì?
Theo tôi, đó chính là nghề nghiệp làm báo để ra đời những sản phẩm báo chí nhanh nhất, sắc xảo nhất và đi vào lòng người nhất. Đó cũng có thể là câu chuyện về sự thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật báo chí như công cụ in ấn, thiết bị truyền tải hệ thống thông tin hay câu chuyện về cuộc đời của những nhà báo và những sự kiện báo chí nổi bật có tính thời sự và tác động lớn đến xã hội.
Điều ông mong muốn nhất ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam?
Tôi mong Bảo tàng Báo chí phải kể được câu chuyện hay, chân thực của nghề làm báo. Đó chính là điều khiến đông đảo người xem xúc động và thấy rõ tính chiến đấu sắc bén của báo chí trong thời giành độc lập, thời kháng chiến cũng như trong công cuộc phản ánh đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực của xã hội. Nếu Bảo tàng Báo chí được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp, kể được câu chuyện gây xúc động thì bảo tàng tương lai sẽ rất có ích cho xã hội, đặc biệt cho các nhà báo trẻ trong việc tìm hiểu các thông tin về chính nghề nghiệp của mình. Và điều quan trọng nhất chính là: bảo tàng này phải làm nổi bật vai trò của báo chí, công việc của nhà báo đối với xã hội. Thực hiện được điều đó, tôi tin rằng Bảo tàng Báo chí sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thanh Mai
Nguồn tin: Theo nguoilambao.vn
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam