Nhà báo Hà Đăng và “Tinh hoa cách mạng Việt Nam”
Chiều 5/6, tại Trụ sở Báo Nhân Dân, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản và Hội Nhà báo Việt Nam long trọng tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Tinh hoa cách mạng Việt Nam" của nhà báo lão thành Hà Đăng.

Cuốn sách "Tinh hoa cách mạng Việt Nam" được phát hành đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), là kết tinh gần 80 năm làm báo và cống hiến cho công tác tư tưởng, lý luận của nhà báo lão thành Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, từng là trợ lý Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Có mặt tại buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Cùng dự có Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Phạm Minh Tuấn; Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Vũ Trọng Lâm…

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Cuốn sách là kết tinh những trăn trở, suy tư và khát vọng của một người trí thức-chiến sĩ, người làm báo-nhà hoạt động tư tưởng chính trị trong suốt cuộc đời gắn bó với cách mạng”.
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh vai trò của nhà báo Hà Đăng như một “ngòi bút chiến đấu” suốt hơn nửa thế kỷ, luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên hàng đầu. Cuốn sách của nhà báo trở thành tài liệu quý không chỉ cho giới nghiên cứu, báo chí mà còn với đông đảo cán bộ, đảng viên và những ai quan tâm đến con đường phát triển của đất nước.
"Vinh dự là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách, tôi đã đọc, suy ngẫm và nhận thấy mỗi trang sách là một lát cắt tinh tế về những giá trị cốt lõi của cách mạng Việt Nam: từ tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò của Đảng, bản lĩnh của người lãnh đạo và người cán bộ cách mạng, cho đến các vấn đề nóng bỏng của đời sống chính trị-xã hội hiện nay", Tổng Biên tập Lê Quốc Minh khẳng định.
Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cũng cho rằng, cuốn sách này còn mang một giá trị đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những lập luận vững chắc, phân tích sắc bén và tinh thần biện chứng của tác giả là nguồn tư liệu quý để đội ngũ cán bộ tuyên giáo, báo chí, giáo dục chính trị học tập và vận dụng.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật khẳng định, cuốn sách được hoàn thành và ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025); đồng thời là năm có ý nghĩa quan trọng để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
"Việc tham gia biên tập, xuất bản cuốn sách của nhà báo Hà Đăng là một công tác trọng tâm, đồng thời là niềm vinh dự với cán bộ Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Với yêu cầu cao về cuốn sách cả về nội dung cũng như hình thức, Báo Nhân Dân và Nhà xuất bản đã có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu khảo sát, sưu tầm, tuyển chọn, hệ thống tư liệu và bảo đảm tiến độ, bám sát đề cương cuốn sách", đồng chí Vũ Trọng Lâm cho biết.
Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng cho biết, với khối lượng lớn hàng nghìn bài viết, Ban Biên tập đã tiến hành công việc rất khẩn trương để bảo đảm tiến độ, chất lượng cuốn sách. Quá trình biên soạn được tiến hành song song với công tác biên tập kỹ lưỡng, cẩn trọng từng chữ, từng câu, từng trang để bảo đảm tính khoa học, tính chính trị, tính chính xác về nội dung, sự chặt chẽ, logic về kết cấu, được thể hiện, trình bày đẹp và dễ đọc, theo phong cách báo chí và hiện đại.

Phát biểu tại buổi ra mắt sách, nhà báo lão thành Hà Đăng xúc động chia sẻ: “Cuộc đời tôi không chỉ gắn bó với nghề báo mà cũng từng tham gia vào nhiều mặt trận khác nhau, kể cả ngoại giao khi từng tham gia vào đoàn đàm phán Hội nghị Paris. Năm nay, tôi đã 96 tuổi. Nhớ lại thời gian trước, tôi được kết nạp Đảng vào năm 1947. Tôi đã gắn bó với nghề báo từ đầu những năm 1950, lúc có bài báo đầu tiên khi đang phụ trách công tác tuyên truyền ở địa phương”.
Nhà báo Hà Đăng cũng bày tỏ sự xúc động với các đại biểu đã đến dự buổi lễ giới thiệu sách. “Tôi vô cùng biết ơn khi các đồng chí đã đọc cuốn sách ‘Tinh hoa Cách mạng Việt Nam’ và mong muốn lan tỏa cuốn sách rộng rãi”, nhà báo Hà Đăng nói.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, cuốn sách không chỉ tập hợp những bài viết, nghiên cứu, phỏng vấn... mà còn là sự kết tinh tư tưởng trong suốt hành trình hoạt động cách mạng, làm báo và hoạt động chính trị của nhà báo Hà Đăng.
“Trong từng trang sách, bạn đọc có thể cảm nhận được sự sâu sắc, cẩn trọng và sắc bén..., những phẩm chất vốn đã tạo nên thương hiệu riêng của ông trong suốt nhiều thập kỷ. Điều tôi đặc biệt ấn tượng là ông đã kết hợp chiều sâu lý luận của một nhà nghiên cứu với tinh thần phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của một nhà báo chân chính. Ông không chỉ phân tích, lý giải mà còn định hướng, truyền cảm hứng”, đồng chí Nguyễn Đức Lợi nhận xét.
Đồng chí Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ: “Bắt đầu từ vị trí là phóng viên, nhìn lại quá trình làm báo của đồng chí Hà Đăng, có thể thấy, ông đã tham gia thực hiện rất nhiều bài viết và ký rất nhiều bút danh. Nhắc đến đồng chí Hà Đăng, người ta thường nhớ tới ông trên rất nhiều cương vị. Và chính vì đã từng đảm đương, trải qua nhiều cương vị ấy, nên đồng chí Hà Đăng có góc nhìn rất sâu rộng và bao quát. Điều đó được ông thể hiện rõ qua các bài viết của mình”.
Đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ, sự kiện ra mắt cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt đối với những người làm công tác lý luận, báo chí. Đây là công trình tâm huyết nhất trong cuộc đời hoạt động báo chí của một nhà báo lão thành, một nhà cộng sản kiên trung.
Đồng chí Phạm Minh Tuấn cho biết, trong suốt sự nghiệp của mình, đồng chí Hà Đăng đã trải qua nhiều vị trí quan trọng. Và ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng để lại dấu ấn sâu đậm bằng tài năng, nhiệt huyết của một cây đại thụ trong nghề báo và công tác tư tưởng.
Đồng chí Phạm Minh Tuấn cũng cho biết, đối với nhiều thế hệ cán bộ công tác tại Tạp chí Cộng sản, nơi đồng chí Hà Đăng từng giữ vai trò Tổng Biên tập, đều giữ ấn tượng sâu sắc về một cây bút kỳ cựu, một cây bút lý luận chính trị sắc sảo, đồng thời là một nhà lãnh đạo tư tưởng có uy tín...

Cũng trong dịp này Ban tổ chức và Nhà báo Hà Đăng đã trao tặng cuốn sách “Tinh hoa cách mạng Việt Nam” cho đại diện Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bảo tàng báo chí Việt Nam.
Lễ ra mắt cuốn sách “Tinh hoa cách mạng Việt Nam” không chỉ là sự kiện văn hóa quan trọng mà còn là dịp tri ân, tôn vinh những đóng góp bền bỉ, to lớn của một nhà báo lão thành – người đã sống trọn đời vì lý tưởng cách mạng và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Với tình cảm và sự trân trọng đối với bậc tiền bối của làng báo chí cách mạng Việt Nam đã dành trọn cuộc đời cho công tác tư tưởng của Đảng, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã viết Lời giới thiệu cuốn sách. Cầm trên tay cuốn sách Tinh hoa cách mạng Việt Nam, gồm hơn 100 bài báo được tuyển chọn từ hàng nghìn bài viết, cá nhân tôi vô cùng khâm phục sức làm việc dẻo dai, phi thường của nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Trợ lý của hai Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nông Đức Mạnh, nguyên Thành viên - Trợ lý Trưởng Đoàn đại biểu Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sống gần trọn một thế kỷ, nhà báo Hà Đăng đã dành toàn bộ cuộc đời mình cho công tác tư tưởng của Đảng, cống hiến cho báo chí cách mạng Việt Nam. Cuộc đời của ông là cả một kho tàng phong phú các sự kiện, nhân vật, miền đất, thế thái nhân tình đã trải qua. Ông đã viết hàng nghìn bài báo, trong đó có những bài bút chiến sắc bén vạch trần bộ mặt kẻ thù, đấu tranh với những quan điểm, nhận thức sai trái; những bài ghi chép, phóng sự công phu, tinh tường, phát hiện những điển hình tiên tiến, mở ra phong trào thi đua mới và những bài chính luận mang tầm tư tưởng và có sức khái quát cao. Ông đã xuất bản ba cuốn sách mang những chủ đề lớn, gồm Thế ta phải thắng, Đi lên từ sản xuất nhỏ, Cái mới trong đổi mới. Và lần này là cuốn sách Tinh hoa cách mạng Việt Nam, tập hợp những bài viết tinh hoa trong cuộc đời làm báo của ông, hướng tới chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025)... Cả sự nghiệp cầm bút gắn với sự nghiệp làm báo Đảng, ông luôn trăn trở: Viết về Đảng thì viết về điều gì và nên viết như thế nào, và đi đến đúc kết để có những tác phẩm báo chí hay về Đảng thì nhà báo phải có khả năng chọn lọc, cách đánh giá khoa học mọi vấn đề và làm việc nghiêm túc ở mức cao nhất. Những tâm huyết này, ông gửi gắm vào Phần I: Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cuốn sách. Đây là những bài báo chính luận viết về đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh, về các nghị quyết quan trọng của Đảng qua các kỳ đại hội, về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về quyền làm chủ của nhân dân... Đó là những đề tài khó đối với bất kỳ người làm báo nào, nhưng bằng năng lực suy ngẫm và sáng tạo, nhà báo Hà Đăng đã chuyển tải những vấn đề lớn, quan trọng và phức tạp ấy qua ngôn ngữ báo chí sinh động và giàu sức thuyết phục, đưa các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng từ lý luận vào cuộc sống và từ cuộc sống đến với nhân dân. Phần II: Về lãnh tụ và một số nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam của cuốn sách, đúng như tên gọi, là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà cách mạng cao cấp của Đảng và Nhà nước mà trong đời ông hằng ngưỡng mộ. Nửa đầu của Phần II là những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chân dung Bác Hồ đã được ông xây dựng với lòng kính yêu vô hạn, thông qua những trước tác, những chỉ đạo, những lời dạy, tấm gương đạo đức và tinh thần nhân văn cao cả mà Người để lại cho dân tộc. Không thuần túy ngợi ca, nhà báo Hà Đăng đã có nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng và khoa học, đưa ra những phân tích sắc sảo về chiều sâu tư tưởng và phong cách, phẩm chất cao quý và giản dị của Người thông qua những câu chuyện vô cùng sinh động, gần gũi. Nửa sau của Phần II là chân dung các nhà cách mạng và chính khách xuất sắc của cách mạng Việt Nam. Đó là Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người bạn lớn của Bác Hồ, là Tổng Bí thư Trường Chinh - Người anh cả trong làng báo; Tổng Bí thư Lê Duẩn - Hoài bão lớn về “làm chủ tập thể”; Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Những nhận thức sâu sắc về lý luận xây dựng Đảng; là Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Dòng sông chảy mãi; Ủy viên Bộ Chính trị, Cố vấn tại Hội nghị Paris Lê Đức Thọ - Hai lần bàn kế sách; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng - Nụ cười và những trái tim nhân hậu; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Tố Hữu - Người lĩnh xướng; Hoàng Tùng - Cây đại thụ trong làng tư tưởng, báo chí… Qua ngòi bút của ông, chân dung các nhân vật lớn của đất nước hiện lên đời thường, sống động và chân thực, bởi đó là những người ông đã may mắn tiếp cận trực tiếp, được phục vụ hoặc cùng làm việc trong một thời gian dài. Mỗi chân dung không chỉ khắc họa về một con người mà còn có tư tưởng, tính cách và những bài học vô cùng sâu sắc để lại cho bạn đọc. Những chân dung ấy vừa mang tính cá nhân, lại vừa là những tư liệu lịch sử vô giá được soi chiếu qua góc nhìn của một nhà báo lão thành. Phần III: Những thành tựu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là những bài viết với nhiều thể loại: phóng sự, tùy bút, phân tích, bình luận tâm đắc của Hà Đăng trong cuộc đời làm báo. Có thể kể đến các bài: Ba lần đuổi kịp trung nông viết về Hợp tác xã Đại Phong, được Bác Hồ viết thư khen ngợi;... Trong Phần III, ông cũng dành nhiều bài viết bàn về nghề báo, tính chiến đấu của báo chí cách mạng, về vai trò của nhà báo trong tiến trình đổi mới đất nước. Gần 80 năm cầm bút (ông bắt đầu làm báo từ năm 1947), nhà báo Hà Đăng đã để lại di sản báo chí đồ sộ. Trong cuốn sách này, bài báo xa nhất ông viết vào năm 1955 khi mới được điều ra công tác tại Báo Nhân Dân ở Hà Nội, còn bài gần nhất là tháng 7/2024, đăng trên Tạp chí Cộng sản. Nhà báo Hà Đăng đã trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng khác nhau, nhưng có lẽ Báo Nhân Dân là nơi ông gắn bó nhất. Ông luôn nhận mình là “nhà báo nhân dân” theo là cách chơi chữ hóm hỉnh và sâu sắc thường thấy trong khi ông trò chuyện. Ở tuổi 95, ông vẫn giữ nếp sống lạc quan, yêu đời, mẫn tiệp, khiêm nhường và hài hước hiếm thấy. Ông vẫn thường xuyên viết báo, tham dự các sự kiện báo chí, đóng góp những ý kiến chân thành, sắc sảo và luôn bám sát thời cuộc. Nhà báo Hà Đăng là tấm gương sáng về lao động nghề nghiệp, là người nhiệt thành với tâm thức “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để nhiều thế hệ làm báo, đặc biệt là các nhà báo trẻ soi vào và noi theo. |
Nguồn: nhandan.vn