Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
21/03/2022 16:54

Nguyễn Ái Quốc và một số bài viết trên báo Le Paria

Nội dung những bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã góp phần thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh chống áp bức, bất công và chỉ ra con đường giải phóng cho họ.

100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Morocco… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản tại Pháp tờ Le Paria (Người cùng khổ) để phê phán chủ nghĩa thực dân, tuyên truyền, vận động và kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa vùng lên đấu tranh chống áp bức bất công, tự giải phóng khỏi ách nô lệ.

nguyen ai quoc va mot so bai viet tren bao le paria hinh 1

Bài 'Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu', đăng trên số 36-37, tháng 9-10.1925. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp

Tờ báo được in trên khổ giấy 36 x 50cm với tên báo được kéo dài suốt cả trang báo. Tên báo được viết bằng ba thứ tiếng: chính giữa, nổi bật nhất được viết bằng tiếng Pháp, chữ Ả rập ở bên trái và chữ Hán ở bên phải được dịch thành “Lao động báo”.

Nghĩa bóng của chữ Paria được dùng để chỉ những người bị khinh rẻ, khốn khổ nhưng Paria còn là sự mỉa mai đối với thủ đô hoa lệ, hào nhoáng che đậy mâu thuẫn, sự xấu xa thối nát bên trong của tư bản Pháp.

Dưới tên báo là hàng chữ tiêu đề báo viết bằng tiếng Pháp là “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” sau đổi thành “Diễn đàn của vô sản thuộc địa”; “Cơ quan của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa” và cuối cùng là “Cơ quan của Hội Liên hiệp thuộc địa”. Số lượng in báo Le Paria không cố định, dao động từ 1000 bản đến 5.000 bản. Báo được phát hành tại Pháp, có một số theo các tàu viễn dương phát hành đến Đông Dương và các nước thuộc địa.

Theo các sử gia, tương ứng với quá trình tồn tại của báo Le Paria, từ số 1 đến số cuối cùng (số 38), Nguyễn Ái Quốc có hai thời kỳ hoạt động: Thời kỳ thứ nhất, từ số 1 đến số 15, Người trực tiếp phụ trách báo, làm cả việc phát hành và đi bán báo với mốc soi chiếu là từ ngày 1/4/1922 đến trước ngày 13/6/1923, thời điểm Nguyễn Ái Quốc rời Paris sang Liên Xô; thời kỳ thứ hai, khi đã đi Liên Xô, đến Trung Quốc, Người vẫn gửi bài đăng báo và tiền ủng hộ báo.

Với ngòi bút sắc bén, Nguyễn Ái Quốc đã quyết liệt vạch rõ bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, phơi bày thủ đoạn đê tiện và tội ác của thực dân Pháp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... Những bài báo của Người không chỉ vạch trần chính sách áp bức bóc lột đến tận xương tủy của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương mà còn chỉ rõ bộ mặt xấu xa tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa khác trên thế giới.

Có thể kể đến một số ví dụ như: bài Thù ghét chủng tộc đăng trên số 4, ngày 1/7/1922 Người viết: “Chỉ vì nói đến đấu tranh giai cấp và sự bình đẳng giữa con người mà đồng chí Luson, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, bị kết án là tuyên truyền "thù ghét chủng tộc". Trong khi đó "tình thương yêu giữa các chủng tộc" đã được những tên thực dân, những nhà truyền giáo “thực hiện” bằng những tội ác giết người dã man đối với dân bản xứ Đông Dương thì chẳng có tên nào bị kết tội. Đó là chưa kể đến tội ác của chính quyền thực dân “đã dùng rượu và thuốc phiện để đầu độc và làm ngu muội quần chúng”.

Trong hàng loạt bài viết của mình, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Bài Những kẻ đi khai hóa đăng trên số 4, ngày 1/7/1922 tố cáo tội ác của “những kẻ đi khai hóa” qua hình ảnh tra tấn một người phụ nữ da đen đến chết ở châu Phi và đánh tàn bạo một bà cụ gánh muối ở Nam Kỳ.

“Khốn thay, những việc bỉ ổi như vậy lại không hiếm gì ở cái nơi mà báo chí của các nhà cầm quyền thường gọi là "nước Pháp hải ngoại", bài báo mỉa mai.

nguyen ai quoc va mot so bai viet tren bao le paria hinh 2

Le Paria số 5, ngày 1/8/1922, đăng tải 4 bài viết và 1 tranh vẽ của Nguyễn Ái Quốc. Nguồn: Thư viện Quốc gia Pháp.

Hay trong bài Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp đăng trên số 5 ngày 1/8/1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa.”

“Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi ta thấy rằng văn minh dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý... được tượng trưng bằng hình ảnh một người đàn bà dịu hiền và được một hạng người nổi tiếng là hào hoa phong nhã ra sức điểm tô, lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ,” theo nội dung bài báo.

Các bài sau đó như Khai hoá giết người (số 5), Vụ hành hạ Amđuni và Ben Benkhia (số 8), Ách áp bức không từ một chủng tộc nào (số 17)… mà chỉ đọc cái tên thôi cũng thấy bản chất xấu xa của chủ nghĩa thực dân với những người dân thuộc địa.

Như trong bài Ách áp bức không từ một chủng tộc nào, Người điểm lại các vụ ám sát phái viên “nước Nga công nông”, giết hại công nhân quê Tunisia và nhiều vụ việc đau lòng khác để chỉ rõ: “Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ.”

Trên Le Paria, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như tin tức, bình luận, xã luận, truyện ngắn, dịch thuật, tiểu phẩm, tranh vẽ,…Tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Ái Quốc qua các bài đăng trên tờ báo này được thể hiện phong phú, sinh động về hình tượng, lý luận sắc sảo và rất gần gũi với quần chúng. Khi đấu tranh với kẻ thù thì kiên quyết, mạnh mẽ, châm biếm sâu cay khi vận động quần chúng thì tha thiết, chân thành.

Nội dung những bài báo của Người đã góp phần thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh chống áp bức, bất công và chỉ ra con đường giải phóng cho họ.

Theo các nghiên cứu, xác minh thì ngoài các bài không ghi tác giả, số bài Nguyễn Ái Quốc viết và có ký tên là 38. Có 10 số đăng trên hai bài. Đặc biệt số 5 (ngày 1/8/1922), Người viết bốn bài và một tranh vẽ nội dung bao phủ gần hết trang nhất.

Bên cạnh đó, còn xác định được 5 bức tranh của Nguyễn Ái Quốc là “Văn minh bề trên” (Civilisation supérieure), “Triển lãm thuộc địa” (Exposition coloniale) cùng đăng trên số 2, “Hội nghị An-giê” (La Conférance D’Alger) đăng trên số 12; “Mau lên! Du hành!...” (Mau lên! Incognito!...) đăng trên số 5; “Sự phục thù của Tu-tăng Ca-mông” (Représailles de Toutan Kamon) đăng trên số 13. 


Nguồn: Congluan.vn
Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam