Thời gian mở cửa: Từ 08h30 – 12h00 các buổi sáng thứ Hai, Tư, Sáu. Chi tiết vui lòng liên hệ:  0243.996.6982, 0986986110
21/02/2018 16:21

Ngày xuân - Nhàn đàm về đạo lý Người cầm bút

Từ cổ chí kim, nghề cầm bút đi liền với tri thức và đạo lý. Trong chừng mực nào đó còn là chỗ dựa tinh thần cho công chúng báo chí, nhất là những khu vực mà ở đó người dân là lực lượng yếu thế. Nghề báo sở dĩ có uy thế và được
Từ cổ chí kim, nghề cầm bút đi liền với tri thức và đạo lý. Trong chừng mực nào đó còn là chỗ dựa tinh thần cho công chúng báo chí, nhất là những khu vực mà ở đó người dân là lực lượng yếu thế. Nghề báo sở dĩ có uy thế và được kính trọng, tin cậy chính là từ những cây bút chính trực, ngay thẳng và hào hiệp mà có. Vì thế, chữ đạo và chữ lý trong người cầm bút vừa sâu xa, vừa gần gũi cụ thể, vừa hướng dẫn, định hướng, vừa thực hiện. Nếu làm theo đúng đạo lý, người cầm bút, nghề báo được công chúng tin yêu gửi gắm, ủng hộ và bảo vệ. Cuộc sống hiện đại, công nghệ và hạ tầng truyền thông ngày càng tiên tiến đã giúp cho báo chí rất nhiều. Từ lợi thế đó, cơ quan báo chí ra đời ngày càng nhiều, số người theo nghề báo ngày càng đông, mặt trái của kinh tế thị trường cũng không loại trừ hoạt động báo chí… Vậy là báo chí không còn có sự thuần khiết là đưa tin phục vụ đời sống con người nữa. Nhiều việc làm không lương thiện đã bộc lộ từ chính trong hoạt động báo chí: Đưa tin giật gân câu khách, mô tả sự kiện trần trụi, phàm tục, móc máy đời tư, khoét sâu vào nỗi đau… hù dọa, đánh hội đồng, tìm mọi cách để bán được báo, thu được quảng cáo, buộc cơ sở phải nộp tiền… Cao hơn là đăng và gỡ, là tống tiền trắng trợn. Đạo đức người làm báo xuống cấp, đạo lý người làm báo bị coi nhẹ, niềm tin của nhân dân với báo chí giảm sút… Suy cho cùng thì nghề nào cũng có một bộ phận kém cỏi. Nghề báo được trân quý thật nhưng mấy chục nghìn con người trách sao một tỷ lệ nhỏ sâu mọt làm rầu cho nồi canh ngọt. Quan trọng là làm sao để ngăn chặn và đẩy lùi mà ở đây là tệ nạn phi đạo đức trong làng báo và lĩnh vực báo chí? Đây là câu hỏi và cũng là trăn trở của các cấp, các ngành… Cho đến năm 2017, những gì là hành lang pháp lý, vòng tròn đạo đức cho việc ngăn chặn và đẩy lùi việc vi phạm đạo đức trong hoạt động báo chí đã khá đầy đủ. Đó là Luật Báo chí 2016 do Quốc hội ban hành và 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng lên đủ sức dẫn dắt hoạt động báo chí chuẩn chỉ. Công cụ thực thi bảo đảm tính nghiêm cẩn là Hội đồng xử lý vi phạm được thành lập trong toàn hệ thống. Vậy để đạo lý được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, điều nên làm là gì? Trong Luật Báo chí 2016 đã quy định rất rõ: Như thế nào thì được gọi là nhà báo? Như thế nào thì được cấp, bị thu hồi thẻ hành nghề? Như thế nào thì đủ điều kiện tác nghiệp. Điều kiện gì cần và đủ để thành lập cơ quan báo chí? Muốn phỏng vấn phải làm gì cho hợp lệ v.v…
Những quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng đã cho chúng ta hiểu về những gì là kỵ, là nên tránh xa trong ứng xử và hành nghề báo chí. Xin viện dẫn ra đây một vài điều: Chẳng hạn điều 3: “Hành nghề khách quan, trung thực, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”. Hay tại điều 5: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”… Có nghĩa một khi đã làm nghề báo chuyên nghiệp thì mọi hành vi phải thể hiện sự nhất quán và chuẩn mực, coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý của nghề nghiệp… Tóm lại, bằng những điều luật và quy định; bằng nỗ lực hòa nhập với sự phát triển công nghệ số của thế giới; bằng sự cởi mở trong hoạt động thông tin báo chí, nếu thực hiện tốt, báo chí có thể hoạt động tự do và tích cực trong phụng sự đất nước hơn bao giờ hết. Có mấy việc khắc phục tốt sẽ phục vụ cho thực hiện đạo lý hiệu quả. Thứ nhất, cơ quan báo chí phải nghiêm túc thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí mình phục vụ. Nếu gần 1.000 cơ quan báo chí hiện tại của chúng ta đều nghiêm chỉnh thực hiện, việc trùng lặp tin tức, việc đưa tin chạy theo hiếu kỳ sẽ giảm. Hoạt động báo chí tại cơ sở sẽ bớt đi sô bồ, phiền toái cho doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân. Công chúng báo chí không phải nhìn bức tranh kinh tế xã hội luôn là nhức nhối, gam lạnh. Thứ hai, trong quản lý con người phải chặt chẽ và lấy chất lượng cán bộ, phóng viên làm đầu. Lãnh đạo cơ quan báo chí không thể coi nhẹ việc chọn lọc phóng viên, hoặc dễ dãi, hoặc coi trọng việc làm lợi thông qua khai thác quảng cáo của cán bộ. Đối với các văn phòng đại diện cũng như phóng viên thường trú, công tác xa tòa soạn phải là những phóng viên giàu kinh nghiệm, hội viên từng trải, phẩm chất chính trị vững vàng. Vì sao có tình hình nhiều tạp chí xuất bản có tính chất chuyên lĩnh vực, chuyên ngành thời gian qua cũng lao đi làm thời sự? Phải chăng cũng xuất phát từ kinh tế? Việc đặt tit giật gân câu khách thực chất là lỗi, ý chí chủ quan của biên tập chỉ ra được nhưng không dễ khắc phục. Nếu thực sự quyết tâm, chắc chắn chúng ta sẽ hạn chế được tối đa hệ lụy của việc làm trên, báo chí chuyên nghiệp sẽ sáng sủa, uy tín lại gia tăng. Ba là: Kinh tế báo chí hiện tại có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động báo chí. Bởi có tới hơn 90% cơ quan báo chí tự tìm nguồn thu trang trải một phần hoặc toàn bộ cho xuất bản. Đây là một thực tế chúng ta phải công nhận và tạo điều kiện tốt cho các cơ quan báo chí và nhà báo cùng lúc vừa tuyên truyền chính trị, vừa lo nguồn thu nuôi sống chính mình. Có điều, phải coi thực tế trên là nguyên nhân chính dẫn tới những vi phạm mà phải nghiêm túc tìm hướng khắc phục… Ngày Xuân tự suy ngẫm và tự lý giải về đạo lý của nghề cầm bút, trong môi trường làm báo hiện tại, thuận lợi và thách thức đan xen. Mong sao mỗi tập thể, mỗi người làm báo chỉ cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước uy tín nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của luật và quy định về đạo đức, chắc chắn báo chí của chúng ta sẽ làm tốt vai trò chủ đạo, trong phục vụ nhân dân.

Nguồn: congluan.vn

Video Clip
Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ngôi nhà di sản
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Giám đốc: Trần Thị Kim Hoa
© 2019 Bảo Tàng Báo Chí Việt Nam